Nguyễn Văn Trỗi: Chuyện bây giờ mới kể
Chỉ sống có 24 năm và vẻn vẹn có 9 phút trên pháp trường nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng.
Là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do - những tố chất rất cần cho sự dấn thân của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc bất cứ thời đại nào.
44 năm đã trôi qua, vì nhiều lý do khác nhau, những chi tiết về cuộc đời người anh hùng, về lý tưởng sống, nhất là những bí mật của trận đánh, những người trong tổ chức của Đội biệt động 65 từng nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mới dần được tiết lộ.
VTC News đã sưu tầm, tìm gặp lại những nhân vật có liên quan tới anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và sự kiện "cầu Công Lý" với mục đích cung cấp thêm cho bạn đọc những tư liệu mới nhất về cuộc đời người anh hùng này, cả những hy sinh to lớn của đồng đội anh, thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ, để chúng ta có được cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Kỳ 1: Tiếng "sét" trên cầu Công Lý
Chúng tôi có mặt trên cầu Công Lý (cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) vào một sáng tháng Mười. Trời nắng nóng. Cầu Công Lý nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, tuyến huyết mạnh từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng lại và mở rộng.
[IMG]http://i290.photobucket.com/albums/ll262/wonghong/vtc_230655_Tren-cau-Cong-Ly-1a.jpg[/IMG]
Cầu Công Lý ngày nay
44 năm trước, tại đây đã xảy ra một sự kiện làm rung chuyển dư luận toàn cầu: Hai chiến sĩ trẻ của Đội biệt động 65 nổi tiếng Sài Gòn là Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời đã đặt bom nhằm tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời bấy giờ là McNamara khi ông ta tới thị sát chiến trường miền Nam để chính thức xâm lược nước ta.
Chuyện không thành, nhưng sự kiện này như một tia chớp báo hiệu cơn sấm sét sẽ trút xuống đầu kẻ thù, một khi chúng tới xâm lược nước ta.
Trái mìn trong thùng sắt tây
Chuyện xảy ra đã 44 năm, nhưng ông Nguyễn Hữu Lời vẫn cảm thấy mới như ngày hôm qua: “Tổ biệt động của chúng tôi do anh Tư Kiếm cầm đầu được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên trùm sò đế quốc McNamara. Theo dõi đường đi nước bước 4 chuyến McNamara sang Sài Gòn trước đây thì thấy có một quy luật chung, đó là ông ta đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố theo đường Công Lý. Ra đón McNamara bao giờ cũng có đầy đủ các nhân vật cao cấp quân sự và dân sự Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn.
Lúc đó, ba phương án tác chiến được Ban chỉ huy cấp trên nhanh chóng thông qua: Thuê một căn nhà cạnh đường Công Lý, mìn định hướng đặt trong nhà, việc câu dây, bảo vệ trái mìn dễ dàng, thuận tiện hơn, không lo bị phát hiện. Phương án hai là chôn hai trái mìn gần đầu cầu Công Lý đón xe của McNamara qua cầu, vừa xuống dốc thoai thoải thì mìn nổ. Phương án ba, nếu McNamara không vào thành phố theo đường Công Lý thì tiếp tục theo dõi, đón đánh khi McaNamara rời Sài Gòn”.
[IMG]http://i290.photobucket.com/albums/ll262/wonghong/PLO_230647_Troi-loicopy.jpg[/IMG]
Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bên quả bom tự tạo. Ảnh tư liệu
Để lý giải cho việc lựa chọn “nhân sự” cho trận phục kích đặc biệt quan trong này, chúng tôi đã tới nhà ông Tư Kiếm. Nhà ông nằm trong một con hẻm nhỏ của đường Lê Văn Sĩ, quận 3. Ông Tư Kiếm năm nay đã hơn 80 tuổi, trí nhớ giảm sút nhiều sau những năm tháng tù đày tra tấn.
“Tôi chọn 3 chiến sĩ biệt động tham gia trận đánh này. Anh Ba Sơn làm nghề đạp xích lô, anh ruột tôi, tuổi đã hơn 40; Nguyễn Hữu Lời làm nghề hớt tóc, anh em con cô, con cậu ruột với tôi (19 tuổi) và em họ tôi là Nguyễn Văn Trỗi, thợ điện (24 tuổi). Chúng tôi đều quê ở xã Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, Quảng Nam và đều cư ngụ ở quanh vùng Vườn Xoài, đường Trương Minh Giảng. Gia đình, họ hàng chúng tôi đến vùng này sinh cơ lập nghiệp từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, ông Tư Kiếm nhớ lại.
Công việc đang được chuẩn bị thì Tổ biệt động của ông nhận thông báo: Phái đoàn của McNamara sẽ tới Sài Gòn vào Thứ Hai, ngày 11/5/1964, tức là sớm hơn dự kiến hai tuần.
Ngay lập tức, ông Tư Kiếm tập gấp anh em trong tổ. Nguyễn Hữu Lời chạy sang Gia Định tìm Ba Sơn - khi ấy đang hành nghề xích lô máy, và Nguyễn Văn Trỗi. Nhà chưa kịp thuê. Vì vậy phương án hai được triển khai: Phục kích tại đầu cầu Công Lý...
[IMG]http://i290.photobucket.com/albums/ll262/wonghong/vtc_230652_Ong-Loi-va-ong-Tu-Kiem-1.jpg[/IMG]
Ông Nguyễn Hữu Lời (trái) và ông Tư Kiếm đang kể lại sự kiện cầu Công Lý với VTC News.
Đứng trên đầu cầu Công Lý, ông Nguyễn Hữu Lời kể cho chúng tôi nghe: “Hồi đó, hai bên đầu cầu Công Lý chưa có nhà cao san sát, chưa có chùa Vĩnh Nghiêm như bây giờ. Từ dãy cầu tiêu công cộng của xóm Lách sát bờ rạch, cách mặt đường khoảng 150 mét, có thể nhìn bao quát những đoạn đường dẫn đến hai đầu cầu. Trái mìn được chôn trong bãi rác cạnh đường, cách đầu cầu phía vào thành phố 50 mét, ngay gần cồng chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay”.
Để bảo vệ cho chuyến đi của McNamara quân đội, quân cảnh, cảnh sát được huy động rất đông. Chúng canh gác cả chặng đường rất cẩn mật.
Tư Kiếm họp anh em trong tổ bàn lại kế hoạch đưa mìn tới bãi rác gần cầu Công Lý. Ba Sơn kéo xe ba gác, trên chất gạch, cát, xi măng chết, trái mìn 8 kg giấu trong thùng. Nguyễn Hữu Lời cầm tập sách đóng vai một học sinh lảng vảng ở cầu để báo hiệu cho Ba Sơn vào cầu lúc địch bớt chú ý tới người qua lại. Tư Kiếm thủ trong người một quả lựu đạn đi theo bảo vệ Ba Sơn. Còn Nguyễn Văn Trỗi chờ ở ngã tư Yên Đỗ - Trương Minh Giảng, sẵn sàng đón Ba Sơn hoặc Tư Kiếm nếu việc bại lộ.
Thấy trước mặt có xe chở than sắp lên cầu Trương Minh Giảng (cầu Lê Văn Sỹ hiện nay), một tên cảnh sát giữ xe than lại. Ba Sơn kéo xe cát, xi măng với cái thùng thiếc đựng xi măng chết tới sát xe than thì dừng lại nói với tên cảnh sát: “Chú cho tôi đi chữa thuê cái cầu tiêu, chú”. Nhìn Ba Sơn trong vai thợ hồ với bộ quần áo còn bết cứng từng mãng vữa, đất, mồ hôi ròng ròng trên mặt, tên cảnh sát không chút nghi ngờ khoát tay cho xe anh qua. Ba Sơn cúi rạp người kéo xe ba gác vượt cầu, Tư Kiếm thong thả đi theo bên lề đường.
Như vậy là mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, trừ một chi tiết làm thót tim các biệt động thành. Số là khi Ba Sơn và Nguyễn Hữu Lời bê chiếc thùng thiếc có trái mìn bên trong vùi vào đống gạch vụn lẫn rác rưởi thì bất ngờ, một bà lão qua đường trông thấy, tưởng hai người vứt đi nên tới xin đem chiếc thùng về sửa lại để dùng.
Ba Sơn và Lời toát mồ hôi, chỉ còn thiếu nước chắp tay lạy bà: “Không dùng được nữa đâu, chúng tôi trước đây làm bô đổ phân lợn, nay thủng hết rồi”. May sao bà già bỏ đi. Cả hai nhìn nhau hú vía. Lúc đó là 12 giờ trưa ngày 9/5/1964.
Vào trận
Chín giờ ba mươi phút tối 10/5/1964, tổ của Tư Kiếm xuất phát, hoàn tất phần chuẩn bị sau cùng, bảo vệ Lời làm nhiệm vụ rải dây điện nối vào trái mìn.
Cho tới nay vẫn còn nhiều người không hiểu vì sao Nguyễn Văn Trỗi vừa cưới vợ lại tham gia trận đánh nguy hiểm này. Ông Tư Kiếm lý giải: “Nhiệm vụ của Trỗi là chuẩn bị chu đáo dây điện, ghép pin và thử đi thử lại cho chắc chắn cài là nổ một trăm phần trăm. Còn nhiệm vụ đi phục kích tiêu diệt kẻ thù được giao cho Ba Sơn và Nguyễn Hữu Lời.
Tuy nhiên, đến giờ xuất kích, Ba Sơn lại bị kẹt xe, đến chậm; hơn nữa, Trỗi lại tha thiết "xin được giao nhiệm vụ và tự nguyện xin được chia sẻ với tổ mọi gian nan, nguy hiểm. Hạnh phúc gia đình không hề ảnh hưởng tới quyết tâm đánh Mỹ, vì nhiệm vụ như thế này chẳng phải trong đời có lần thứ hai”.
Nguyễn Hữu Lời đến dãy cầu tiêu công cộng đã gặp Nguyễn Văn Trỗi chờ sẵn, chiếc xe máy Sharp của Trỗi mới mua dựng ở đầu đường vào dãy cầu tiêu chuẩn bị chở Lời khi công việc hoàn thành.
“Tới nơi, tôi cởi quần áo ngoài đưa cho anh Trỗi, mặc độc chiếc quần xà lỏn lội xuống con rạch đầy phân và bùn hôi thối vô cùng. Không may cho chúng tôi là nước rạch Thị Nghè hôm ấy không đầy như mấy tối trước. Tôi ra tới giữa rạch vẫn hở nửa người. Ven bờ rạch, nước cạn chỉ còn bùn và rau muống.
Không thể dầm mình xuống nước, tôi đành lấy rau muống quấn vào người và đầu để ngụy trang. Tôi nằm ngửa trườn trên bùn, kéo dây theo. Chính vì nước quá cạn, nên mỗi bước trườn của tôi đều gây ra tiếng động nhẹ, một thằng em họ của tên cảnh sát ngồi trong cầu tiêu chú ý. Hắn thấy bóng người dưới rạch đang gỡ dây, kéo dây nên theo dõi, thấy không phải là người kiếm cá thông thường. Hắn chạy về đồn cảnh sát ở đường Yên Đỗ báo tin. Địch kéo đến bao vây ngay.
Lúc đó, tôi đã nối xong dây, bò quay trở lại dãy nhà tiêu. Tới gần bờ thì phát hiện ra anh Trỗi bị bắt. Tôi quay trở lại, nhưng không kịp nữa vì dòng kênh rộng lại quá ít nước. Không còn chỗ trốn. Tôi cũng bị bắt”, ông Lời nhớ lại.
Có một chi tiết mà theo ông Lời thì mãi gần 20 năm sau ngày giải phóng ông mới lý giải được, đó là khi ông và anh Trỗi bị bắt, ông thấy ông Tư Kiếm và Ba Sơn lại lởn vởn trong đám đông, trong khi theo nguyên tắc, khi đồng đội bị lộ hoặc bị bắt thì phải trốn đi ngay để bảo toàn lực lượng.
20 năm sau gặp lại, ông Tư Kiếm cho biết, ông và ông Ba Sơn định đến giải cứu cho anh Trỗi và Nguyễn Hữu Lời, nhưng do người dân đổ ra quá đông nên không hành động được. Có vũ khí trong người mà phải cắn răng nhìn đồng đội bị bắt. Nỗi đau ấy cho tới tận ngày hôm nay vẫn nhói trong tim ông Tư Kiếm mỗi khi ông nhớ lại.
Kỳ 2: Mối tình bất diệt
Trước khi ra pháp trường, anh Trỗi nói với chị Quyên rằng, việc anh dấu chị hoạt động cách mạng là không muốn chị phải lo lắng về anh và căn dặn chị hãy đi tiếp con đường anh đã chọn.
Mặc dù chị đã sống đúng với mong muốn của anh nhưng cho tới bây giờ, chị vẫn không sao gạt bỏ được dày vò về sự “vô tư” của mình khi ấy.
44 năm đã qua, chị đã có một gia đình êm ấm nhưng cuộc sống ngắn ngủi với người anh hùng, với chị, vẫn là quãng đời đẹp nhất.
Không yêu từ cái nhìn đầu tiên
Chúng tôi tới thăm chị Quyên tại gia đình chị ở quận 2 (TP.HCM). Ngôi biệt thự sang trọng vẫn còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh, kỷ vật và cả những câu chuyện về anh Nguyễn Văn Trỗi. 44 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của anh vẫn hiện hữu dường như hàng ngày ở gia đình này.
“Có lần chị hỏi anh Tư (anh Tư Dũng, chồng chị Quyên hiện nay-NV): Tui hỏi thiệt ông nghen, ông có buồn không khi mỗi lần ông nghe người ta giới thiệu tui là vợ anh Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh nói: “Giận gì mà giận. Tui coi ảnh như anh trai”- chị Quyên thổ lộ. Hai đứa con của anh chị (một trai, một gái) gọi anh Trỗi là ba.
[IMG]http://i290.photobucket.com/albums/ll262/wonghong/vtc_230855_Chi-quyen-va-anh-trai-an.jpg[/IMG]
Chị Quyên đau đớn bên mộ chồng. Người bên cạnh là anh trai anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Buổi sáng sớm cuối tháng Chín ở TP. HCM, trời mát dịu. Dưới hàng cây xanh, trong khuôn viên ngôi biệt thự, chị Phan Thị Quyên đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống tuy rất ngắn ngủi (19 ngày) với anh Trỗi, nhưng đầy ắp những kỷ niệm.
Chị thú nhận rằng, ngày đầu tiên gặp anh Trỗi, chị không có chút ấn tượng nào với người thanh niên cao to ấy. Vì thế mà anh hỏi đến đâu, chị trả lời đến đó. Mãi sau này anh mới biết mình "mất điểm" do cái quần ống rộng vì thanh niên thời ấy ai cũng mặc quần ống bó.
Chị quen anh qua người bạn làm chung tên là Kim Anh (chị họ anh Trỗi). Một lần đến nhà chị Kim Anh chơi, anh Trỗi đã nhờ chị giới thiệu cho mình ý trung nhân. Chị Kim Anh nghĩ ngay đến cô gái tên Quyên cùng tổ. Nghe chị nói ý định mai mối, chị Quyên cười chọc chị: “Chị thấp chắc em chị cũng thấp”, chị Kim Anh khẳng định: “Em chị cao lắm!”.
Hỏi tên người thanh niên đó, chị Kim Anh ra vẻ bí mật ngâm nga: “Chim quyên trỗi giọng oanh vàng”. Chị bảo với Quyên tên hai người đều nằm trong câu thơ đó. Chị Quyên đoán già đoán non cũng không nghĩ ra tên anh là Trỗi.
Một buổi chiều tan tầm, chị tan ca cùng với chị Kim Anh, hai chị em chưa kịp băng qua đường thì thấy một người thanh niên cao lớn đã xăm xăm qua đường, bước lại gần. Chị Kim Anh giới thiệu "đây là em họ chị", còn anh nhìn Quyên nói nhẹ nhàng: “Tôi là Tư”. Anh xin phép được đưa chị về nhà. Chị thong thả đạp xe còn anh chạy chiếc Mobylette bên cạnh, vừa đi anh vừa hỏi chuyện. Anh đưa chị đến cầu Khánh Hội rồi quay về. Mấy ngày sau đó, anh lại đến chỗ làm đưa chị về nhà.
Thời gian ngắn sau đó, anh tìm đến tận nhà chị. Đang nấu cơm sau nhà, em gái chị chạy vào bảo có anh nào đến tìm chị. Tim chị đập thình thịch khi thấy bóng dáng anh trên nhà. Thoáng bối rối, chị chạy vội lên nhà giới thiệu anh với ba rồi tiếp tục vào bếp nấu nướng. Anh về lúc nào chị cũng không hay.
Buổi chiều, khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm, ba chị nói: “Ba không cấm nhưng con gái muốn trả ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thì phải có cưới hỏi đàng hoàng”. Chị ngập ngừng giải thích: “Chị Kim Anh giới thiệu cho con chứ con với ảnh chưa có gì hết”.
Cứ thế, thỉnh thoảng anh đến nhà chị chơi. Mà rất kỳ lạ là chẳng bao giờ anh nói chuyện với chị, chỉ ngồi nói chuyện với ba chị, anh trai. Nếu không có ba và anh chị ở nhà thì anh đưa em gái út của chị đi chơi. Anh cứ đến chơi với mọi người trong nhà, trừ chị, rồi ra về.
“Ngày 15/3/1963, hãng bông gòn Bạch Tuyết của chúng tôi tổ chức đi nghỉ mát ở Vũng Tàu hai ngày cuối tuần. Chị Kim Anh nảy ra ý định rủ anh Trỗi cùng đi. Anh hứa đi nhưng có việc bất ngờ nên không đi được. Thứ năm đó, anh đến nhà rủ tôi cùng hai em đi chơi cầu lông.
Đó là lần đầu tiên tôi đi chơi bên ngoài với anh. Anh bảo: “Có kế mẫu và em gái Tư từ quê vào chơi, Tư phải ở lại với họ không đi Vũng Tàu chơi với Quyên được”. Lúc ấy tôi rất ngây thơ, không hiểu “kế mẫu” là gì. Hỏi anh, anh bảo đó là mẹ kế của anh. Sau một thời gian quen nhau, tôi mới biết hoàn cảnh gia đình anh”- chị Quyên nhớ lại.
“Mẹ anh mất khi anh lên 9, nhà nghèo quá, anh phải ở nhà bác. Đến năm 12 tuổi, anh ra Đà Nẵng ở với người anh thứ ba. Anh làm đủ nghề từ công nhân hãng kẹo đến học may. Học may hai năm trời, chủ chỉ giao anh làm khuy nút và làm việc nhà mà không chỉ nghề, nản quá nên khi anh ba bảo mang tiền về quê cho chị hai, anh đã trở về quê ở Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, rồi trốn tàu vào Sài Gòn. Cuộc sống ở Sài Gòn của anh cũng rất nhọc nhằn, anh đi đạp xích lô rồi đi học thợ điện, học tới học lui mấy nơi mới thành được thợ điện như bây giờ”- chị Quyên kể.
Nói chuyện tâm tình một hồi, anh dặn dò chị đi Vũng Tàu nhớ mang theo áo lạnh, anh sợ ngoài đó gió biển nhiều sẽ lạnh. Anh còn dặn chị phải uống nước nhiều vào, mỗi ngày khoảng hai lít cho da dẻ đẹp, lọc được chất độc trong cơ thể ra… Về đến nhà, chị cứ nghĩ mãi về anh. Những lời nói của anh cứ vang vang bên tai. Chị thoáng xúc động khi nhớ lại lời dặn chân tình của anh. Chỉ có thương nhau người ta mới để ý đến những điều tưởng chừng nhỏ nhoi đó.
Bắt đầu thương nhớ
Đến khi đó, chị cũng chỉ biết gọi anh là Tư, chị còn tưởng anh tên Tư. Khi anh về quê, anh gửi thư vào cho chị ký tên Nguyễn Văn Trỗi, chị mới biết tên anh là Trỗi, Tư chỉ là thứ tự anh chị em trong nhà. Anh viết thư rất tình cảm, trong thư anh còn dặn chị nhớ uống hai lít nước mỗi ngày. Nhớ anh, chị cũng hồi âm cho anh nhưng chỉ dám hỏi thăm vài ba câu, chị ngại mang tiếng con gái mà đi viết thư cho con trai, dù trong lòng đã thấy thương thấy nhớ anh…
Ngày 21/4/1964, anh chị chính thức nên vợ nên chồng. Đám cưới thời chiến tranh không vì thế mà kém vui. Chị đã tìm được nơi nương tựa vững chãi. Tiêu chuẩn chọn lựa của chị khi đó cũng rất đơn giản, chỉ cần người chí thú làm ăn, đứng đắn, không mèo mỡ, không thích làm lính. Trong mắt chị, anh hiền lành, chịu khó và yêu vợ. Sống chung cùng anh, chị còn biết anh rất chu đáo và khó tính.
[IMG]http://i290.photobucket.com/albums/ll262/wonghong/vtc_230859_Quyen-2.jpg[/IMG]
Chị Quyên đang say sưa kể với nhà báo Lê Thọ Bình về mối tình bất diệt của mình với người chồng chỉ chung sống chưa đầy 20 ngày nhưng để lại thương nhớ suốt cả cuộc đời.
Lúc còn quen nhau, anh có việc đi ra Huế, chị dặn anh mua đũa mun về cho chị. Không có đũa mun nên anh mua hai chục đũa tre thay vào. Chị chê không chịu lấy. Anh bảo để anh cất mai mốt có gia đình anh sẽ lấy ra cho vợ anh xài.
Chị không hề nhớ đến hai chục đũa đó. “Sau ngày cưới, tôi đi chợ mua chén đũa, nồi niêu. Trước khi đi anh dặn đừng mua đũa. Khi về anh lục tủ lấy ra hai chục đôi và nói: “Ngày trước anh có yêu một cô gái, anh mua cho cô ấy hai chục đôi đũa , nhưng cô ấy chê không lấy. Anh nói anh sẽ cất đi để sau này đưa vợ anh xài. Em xài tạm nhé. Tôi ớ người ra. Thì ra anh ghê thật!”- chị Quyên kể.
Sáng nào anh cũng đưa chị đi làm. Hôm nào xuống xe, vô ý chị đi luôn không chào là anh giận cả buổi. Buổi chiều, chị tan sở trước anh nên về nhà sớm để nấu ăn, anh về bóp kèn xe đến khi chị ra đón mới thôi. Anh có trí nhớ rất tốt, bạn bè của chị, anh đều nhớ rõ, thậm chí cả bạn trai của họ anh cũng nhớ. Có hôm vô tình người bạn của chị giới thiệu bạn trai khác, về nhà anh nói ngay với chị là chị bạn đó không tốt. Anh vừa là chồng nhưng cũng vừa là ông anh khó tính của chị.
Chị không hề biết anh hoạt động cách mạng. Với cuộc chiến, chị là người dân làm ăn lương thiện, không dính dáng đến bên nào. Chị nghĩ anh cũng như mình. Anh vốn thích đọc báo, bài nào hay, anh đưa cho chị đọc rồi giảng giải cặn kẽ đến khi chị hiểu mới thôi. Có lần đọc báo thấy bên cách mạng có người rạch bụng biểu tình, chị xuýt xoa thắc mắc, anh kiên nhẫn giải thích cho chị hiểu hành động đó xuất phát từ lòng yêu nước. Chị nghe, hiểu và có chút suy tư khi thấy anh có vẻ trầm ngâm.
Hàng ngày, anh vẫn đi làm như chị, sáng đi chiều về. Chị vẫn thường thấy anh đục đẽo, gò hàn phía sau nhà. Hỏi thì anh bảo làm hàng cho người ta. Thỉnh thoảng anh chạy vù qua xứ Bùi Phát, họ hàng của anh ở đó khá đông, chị nghĩ anh đi chơi nên không quan tâm nhiều.
Theo con đường anh chọn
Chiều 9/5/1964, anh vừa về tới nhà đã giục chị dọn cơm. Chị bị sốt nên ăn uể oải, anh đoán chị bị viêm họng. Chỉ đám lá mơ mọc sau nhà, anh dặn chị hái xuống nấu nước uống. Chị chê đắng không chịu nấu. Vừa buông chén cơm, anh đã ra sau nhà hái lá mơ vào rửa rồi bỏ vào ấm nấu cho chị uống. Anh dặn chị đừng tắm, phải đi ngủ sớm cho mau hết bệnh. Thấy anh nhấp nhổm, chị hỏi anh đi đâu. Anh nói anh đi sửa máy.
8 giờ tối anh về, thấy chị vẫn còn nằm ở chiếc chõng bên ngoài, anh kêu chị vào nhà, lên giường ngủ, rồi chị thấy anh lúi húi đi giăng mùng để chị chui vào giường. Chị thấy anh dựng chiếc xe đạp trong nhà, dẫn chiếc xe máy đi ra. Anh nói đổi xe máy đi cho nhanh để về sớm với chị.
Hơn 1 giờ sáng, chị giật mình tỉnh dậy, vẫn không thấy anh về. Chị gọi với sang nhà người bà con hỏi thăm, người đó bảo anh đi sửa máy móc gì đó, bảo chị yên tâm ngủ đi. Chị trằn trọc không ngủ được. Chị lo nghĩ vu vơ, sợ anh bị lính bắt đi quân dịch, rồi lo anh đang có chuyện gì… Nằm mơ màng, chị còn nghĩ, anh về, chị sẽ giận anh.
Sáng sớm, anh bị bọn lính dẫn về nhà. Chị nhìn anh bàng hoàng. Mới qua một đêm mà râu tóc anh bù xù, anh bị bọn lính đánh đến nỗi chỉ còn một, hai cái nút áo. Bọn lính lục soát khắp nơi, hỏi anh mìn giấu đâu. Anh bảo: “Chỗ nào có Mỹ chỗ đó có mìn”. Chúng tra tấn một hồi, khám xét, rà mìn tới lui không thấy gì nên dẫn anh đi. Trước khi đi anh dặn chị: “Em ở nhà thím cháu đùm bọc nhau”. Lúc đó còn có Hứa, đứa cháu gái gọi anh bằng chú, ở chung nhà anh chị.
Anh bị bắt, chị cảm thấy đất trời như sụp đổ. Đến lúc đó, chị vẫn không biết anh bị bắt về tội gì. Nghe bọn lính xì xầm anh và chú Lời bị bắt quả tang với cuộn dây điện, chị ngỡ anh túng thiếu quá đi lấy trộm dây điện. Nhưng trong thâm tâm chị vẫn tin anh không phải là người như thế. Anh bị bắt vì đâu?
Chị tức tốc chạy về nhà báo cho ba chị biết rồi đi tìm anh ở khắp các đồn bót. Đến khi nghe bọn lính nói anh bị bắt vì tội làm Việt cộng, chị ngỡ ngàng bênh vực chồng: “Mấy ông lầm rồi, chồng tôi không phải là Việt cộng, chồng tôi làm ăn đàng hoàng mà”. Buổi tối hôm đó, khoảng 10 giờ, bọn lính ập tới nhà bắt chị cùng cô cháu gái của anh vào nhà giam.
Mỗi lần đưa chị lên hỏi cung, bọn giặc rất nhẹ nhàng: “Tôi biết chồng chị bị xúi giục, chị hãy khuyên ảnh khai ra đi. Chị còn trẻ, hai vợ chồng mới cưới nhau, ảnh sẽ nghe theo chị, rồi hai vợ chồng được sum họp”. Trước sau gì chị cũng nói: “Tôi đã khai hết với mấy ông rồi, không còn gì để khai nữa”.
Chúng giữ chị 3 ngày ở Nha cảnh sát Đô Thành, sau đó chuyển chị sang Tổng nha nhốt chung với hai người khác. Lúc đó chị mới tin là mình đã bị bắt. Chị òa khóc nức nở. Hai người bạn tù là chị Sáu và chị Tâm hỏi thăm, biết chị là vợ anh Trỗi đã động viên, an ủi chị.
Chị Tâm (bí danh của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước) kể cho chị nhiều tấm gương hy sinh vì cách mạng, giải thích cho chị việc làm của anh Trỗi, chị Tâm khuyên chị không nên buồn bởi việc làm của anh xuất phát từ lòng yêu nước. Trước đó, chị vẫn còn giận anh vì nghĩ anh nghe lời người khác hành động dại dột, không đoái hoài đến vợ… Giờ bị bắt, ở chung với các chị hoạt động cách mạng, nghe các chị giải thích, chị cảm thấy mình có lỗi với anh, chị càng thương anh hơn.
Ngày 18/6, chị ra tù. Hơn một tháng trong tù chị đã hiểu được vì sao anh và các đồng chí anh đi làm cách mạng. Chị tự hứa với lòng không được làm gì để anh thất vọng và sẽ đi tiếp con đường mà anh đã chọn.
(TG:Thanh Phúc- Lê Thọ Bình (VTC))
__________________
Sau cơn mưa trời lại sáng???
|