Bài này đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị và sau đó trích đăng lại trên trang Saigon Carravan. Cái thú vị là trong đây có dùng một vài tấm hình của Gấu. heheh
Mũi Đại Lãnh hay mũi Kê Gà, Phú Yên là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của nước ta, nằm ở toạ độ địa lý 12o53'48" độ vĩ Bắc và 109o27'06" độ kinh Đông. 8 rưỡi tối, chúng tôi vượt đèo Cả, ra khỏi địa phận tỉnh Khánh Hoà, rẽ vào con đường nhỏ không đèn dẫn đến vịnh Vũng Rô với kế hoạch ngủ đêm dưới chân ngọn hải đăng mũi Đại Lãnh.
Sau một hồi rò rẫm trên đường, lúc chúng tôi tới Bãi Môn dưới chân núi nơi ngọn hải đăng toạ lạc đã là 11g kém.
Đêm 14 ở biển. Trăng sáng vằng vặc đến lạnh cả người. Và ở phía trên kia, ngọn hải đăng nơi cực Đông Tổ quốc vẫn xoay đều.
Mũi Đại Lãnh hay mũi Kê Gà (thuộc thôn Phước Tân, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) là điểm cực Đông trên dải đất liền Việt Nam, là điểm đất liền gần hải phận quốc tế nhất và là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của nước ta.
Mũi Đại Lãnh chính là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, và do một người Pháp tên Varella phát hiện ra, vì thế, trước đây, người ta gọi đó là Cap Varella. Điểm đặc biệt của địa danh này là ở chỗ nó như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền, nhưng thực chất nó lại là đất liền...
Chúng tôi còn đang lo lắng vì chờ mãi không thấy mấy người bạn xuống. Chợt có ánh đèn pin lấp loá phía sau. Một người đàn ông với khuôn mặt và giọng nói nặng đặc sệt trọng âm miền biển hỏi chúng tôi đêm hôm vẫn còn ở đây làm gì. Chú là Mười Thái, người bảo vệ tình nguyện ở Bãi Môn này.
Nhà chú Mười Thái nằm nép ở một góc khuất cách bãi biển 200m. Chú và người con trai giúp chúng tôi cất xe và đồ đạc sau một hồi hỏi đi hỏi lại với một giọng rất lo lắng rằng có thật chúng tôi muốn ngủ ở biển không rồi mới quay vào nhà đi ngủ.
Giấc ngủ chập chờn lúc 1g đêm trong lều bạt có vị mặn chát của biển, của ào ạt gió và ánh trăng, và cả tiếng lạo xạo của cát dưới lưng, và trong cả… miệng.
4g có người tỉnh giấc. Lay nhau dậy để cùng lên núi đón một sự kiện trọng đại trong đời: Bình minh ở cực Đông tổ quốc! Đón tia nắng đầu tiên trong ngày rọi vào Việt Nam! Cảm giác ấy thiêng liêng đến mức tôi đã nín thở để tay thật chắc mà cầm chiếc máy ảnh hòng ghi lại những tia nắng đầu tiên quý giá này.
5 thứ cần mang theo khi đến Đại Lãnh
Lều bạt nếu bạn muốn ngủ lại ngoài biển
Áo khoác/khăn to để đắp vì ban đêm gió biển rất mạnh
Đồ ăn nhẹ để ăn đêm vì bạn không thể mua bất cứ thứ gì ở bán kính 10km
Đèn pin
Và đương nhiên là chiếc máy ảnh để ghi lại những thời khắc thiêng liêng nhất.
< ... Nếu không muốn chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, bạn có thể ngủ nhờ trên trạm Hải Đăng mũi Đại Lãnh. Hãy nhờ chú Mười Thái gọi điện nói dùm trước, sẽ dễ dàng hơn nhiều. Điện thoại của chú Mười Thái: (057) 228 322.
Bạn có thể nhờ chú Mười Thái chèo thuyền thúng đưa bạn ra chỗ mấy con tàu đánh cá phía ngoài biển mua hải sản tôm, mực rất rẻ và có thể tự nấu hoặc nhờ vợ hoặc con dâu chú Mười Thái chế biến hộ. Giá cả rất rẻ và đồ hải sản đương nhiên là rất tươi!
Đường tới hải đăng mũi Đại Lãnh
Cách Nha Trang 100 km về phía Bắc, qua bãi biển Đại Lãnh, lên đèo Cả, hoặc từ hướng thị xã Tuy Hoà, vượt qua đèo Cù Mông, lên giữa đèo Cả, rẽ vào một đường nhỏ có biển Khu di tích Vũng Rô, đi chừng 7km thì gặp ngã 3, một lối đi thẳng ra cảng Vũng Rô, một lối rẽ trái đi về phía mũi Đại Lãnh, đi chừng 5km nữa sẽ gặp tiếp 1 ngã 3, một lối đi thẳng ra thị xã Tuy Hoà, một lối rẽ xuống Bãi Môn.
Hải đăng mũi Đại Lãnh được xây năm 1890 gồm khối nhà cao 5m với diện tích 320m2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời để cung cấp năng lượng để hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác ngọn hải đăng này. Tháp đèn hải đăng mũi Đại Lãnh là một khối hình trụ thon đều, màu xám, cao 26,5m so với nền toà nhà và cao 110m so mặt nước biển, và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý.
Để lên được đến đỉnh vào lúc trời vẫn còn chưa sáng rõ, chúng tôi phải mang theo đèn pin, bỏ lại dép ở dưới và leo chừng 100 bậc cầu thang lát gỗ mát rượi. Mở cánh cửa nhỏ và chui ra ngoài. Trước mặt là một vùng biển xanh sẫm, vài chiếc thuyền trôi mờ mờ phía xa. Bên phải là vịnh Vũng Rô đẹp như chiếc cung tên của thần Tình yêu. Những người gác ngọn hải đăng cho chúng tôi mượn lá cờ đỏ sao vàng để chụp ảnh kỷ niệm. Đã từng cầm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương, chiến thắng chính bản thân mình, chúng tôi thấy biết ơn vô cùng vì các anh thực sự hiểu sự thiêng liêng của thời khắc này đối với chúng tôi!
(SGTT)
__________________
Sống có bao lâu, vui vui, buồn buồn...