(VietNamNet) -
Con đường nhỏ hẹp dẫn vào làng An Bằng (xã Vinh An, Phú Vang, Huế) dài chừng 2km được bao bọc bởi hàng ngàn ngôi mộ đồ sộ, màu sắc rực rỡ, đủ loại kiến trúc.
Một góc nghĩa trang làng An Bằng
"Mê cung" biệt thự
Con đường nhựa nhỏ kéo từ QL 49B đến cổng làng An Bằng chạy xuống tận bờ biển chia nghĩa địa đặc biệt này thành 2 nửa dọc theo bờ biển. Ngoài con đường này, chỉ có những đường mòn nhỏ, ngoằn ngoèo giữa lớp lớp lăng mộ dày đặc, giống hệt nhau bởi màu sắc và kiến trúc pha tạp cầu kỳ.
Người từ nơi khác đến rất dễ lạc trong "thành phố của người chết" này, bởi nếu đi hướng này năm chục mét thấy bốn bề là lăng mộ, đi hướng khác một quãng ấy cũng chỉ thấy lăng là lăng, nhìn đâu cũng thấy những lớp tường chạm trổ đủ màu. Ngay dọc đường làng, có nhiều lăng mộ cao lớn rộng hàng trăm m2 nằm xen giữa những ngôi nhà 2 - 3 tầng; rất khó phân biệt đâu là nhà người đang sống, đâu là nơi ở của người đã về với ông bà tổ tiên.
Một trong những lăng lớn nhất nghĩa trang làng An Bằng.
Người làng An bằng kể, trước đây, bao quanh làng chỉ là những bãi cát trắng mênh mông. Khoảng chục năm nay, không còn thấy cát nữa; khu mộ chật ních đã che khuất tầm mắt.
Anh Thành - một người dân An Bằng đã 10 năm làm nghề xây lăng kể: "Lăng mộ ở làng này được xây dựng từ lâu, nhưng trước kia chỉ làm đen trắng. Từ 1991, bắt đầu xây ồ ạt, có trang trí màu và lớn dần như bây giờ. Nhỏ thì 7-8 nghìn USD, lớn thì 20-30 nghìn USD".
Thoạt đầu, chỉ thấy những ngôi mộ đơn sơ với giá "bình dân", nhưng càng ngày các mộ phần càng được sửa sang, nới rộng, và trang trí, trở thành những ngôi "biệt thự" uy nghi. Một gia đình xây lăng 150 triệu đồng, sẽ có gia đình khác gắng xây lăng 170 triệu; nhà khác sẽ tìm cách xây cao, to, tốn nhiều tiền hơn, "cho bằng người ta". Khu nghĩa địa của làng An Bằng, vì vậy, thành nơi để nhiều gia đình thi " triển lãm" nhà cho người thân đã quá cố và cho mình trong tương lai.
Anh Nguyễn Thanh - cán bộ phụ trách Văn hoá thông tin xã Vinh An cho biết: "Số lăng mộ xây hiện nay ở làng An Bằng đã giảm khoảng 10 lần so với 2 năm trước. Cả khu nghĩa địa dài cỡ 2km, rộng 500m. Tất cả các lăng mộ lớn, nhiều tiền đều do con cháu Việt kiều gửi tiền về chứ không có chuyện vay mượn".
Một trong những lăng được cho là đẹp nhất.
Theo quan niệm của dân làng An Bằng, nên xây lăng trước để khi nhà có người quy tiên, không phải lo tiền xây lăng nữa; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, đàng hoàng hơn.
Cũng có quan niệm rằng sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến ba năm sau mới được phép xây; như vậy là có lỗi với người đã khuất… Nên ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống.
Đa số dân làng An Bằng tự hào với khu "biệt thự" đặc biệt cạnh làng. Không ai thấy "ngại" khi sống bên một khu nghĩa địa lạnh lẽo và hoàng tráng như vậy.
"Tấc mộ, tấc vàng"
Hoa văn chạm trổ rồng bay phượng múa.
Những ngày cuối tháng 7, lăng của vợ chồng ông Thanh ( 60 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã xây gần xong phần móng. Người bà con trông coi việc xây lăng cho biết, riêng phần móng lăng này đã tiêu tốn khoảng 70 triệu đồng.
Diện tích đất trống trong nghĩa địa ngày càng bị thu hẹp và tâm lý chuẩn bị chỗ ở đàng hoàng khi sang "thế giới bên kia" khiến nhiều gia đình làng An Bằng phải tính chuyện khoanh đất xây lăng xí phần từ rất sớm; một số nhà còn mua lại đất của người khác để xây thật rộng. Trong khi theo quyết định về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, được UBND tỉnh ban hàng ngày 25/4/2006, mộ mai táng chỉ rộng 9m2 (mộ cải táng nhỏ hơn).
Để tránh tình trạng nghĩa địa lấn đất sinh hoạt và sản xuất, UBND xã Vinh An phải dựng bảng thông báo cấm chiếm đất xây lăng mộ, mặc dù theo lời anh Thanh, "có hiện tượng xây xí phần nhưng không đáng kể".
Lăng được xây móng để... giữ chỗ.
Anh Đặng Trúc - cán bộ địa chính xã Phú Xuân cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng xong dự thảo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn xã dựa theo thực tế địa phương và các quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Sau đó họp lấy ý kiến của nhân dân rồi thông qua HĐND xã. Sẽ bổ sung những ý kiến hợp lý để đưa ra quy định thích hợp cho việc quy hoạch xây dựng lăng mộ".
Không biết đến bao giờ nghĩa trang làng An Bằng có quy hoạch để mà theo. Còn bây giờ, khi việc chuẩn bị mộ phần khang trang ngay từ khi còn sống đã là một tục lệ không thể xóa bỏ, "thành phố lăng mộ" cứ ngày càng sầm uất.
(Theo VietNamNet)
__________________
Nhẫn một chút sóng yên gió lặng.
Lùi một bước biển rộng trời cao.