Đảo rồng Long Sơn
Dọc theo quốc lộ 51 về hướng Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 90km, đến ngã ba Lãng Cái quẹo vô, tiếp tục đi thêm 5km là tới xã đảo Long Sơn - một địa chỉ "hoài cổ", cất giấu quá khứ.
Long Sơn hiện ra. Một con rồng nằm thanh thản dưới chân dãy núi Nứa. Khu nhà Lớn ông Trần xuất hiện cùng những người dân mộc mạc đúng chất Nam bộ. Những cụ già với bộ bà ba đen trên đường, đàn ông thì búi tóc sau ót, đi chân đất... đúng như du khách đang lạc vào phim trường của bộ phim Đất phương Nam nổi tiếng một thời.
Huyền thoại sống mãi
Bước vào nhà Lớn gặp dì Ba - cháu cố đời tư của "ông Lớn" - kể câu chuyện về mảnh đất huyền thoại đã đi qua bao biến cố thăng trầm lịch sử. Nơi đây xưa kia "rừng thiêng nước độc", ấy thế mà ông Lê Văn Mưu đã xây dựng thành nơi cư trú không khác gì kinh đô của một vương quốc biệt lập, sầm uất.
Gọi là "ông Trần", cứ ngỡ ông là hậu duệ của một tướng đời Trần nào đó. Nhưng không phải, nghe con cháu kể lại ông thích để đầu trần, đi chân đất và hay... cởi trần nên được gọi luôn là "ông Trần". Ông quê ở Hà Tiên, Kiên Giang, tham gia phong trào kháng Pháp rồi trôi dạt về đảo rồng này. Quần thể nhà Lớn được Ông xây dựng khoảng năm 1900-1910 với tổng diện tích là 38.735m2, đã được Bộ Văn hóa khoanh vùng.
Ở đảo Rồng, bá tánh đều theo đạo Ông Trần. Đạo không theo một khuôn mẫu gì, không kinh sách, không thờ cúng, không giảng đạo, không kinh mõ... Đạo cứ thấy đúng thì làm, được truyền từ đời này sang đời khác, do con cháu truyền tai nhau. Chỉ có tinh thần truyện Lục Vân Tiên được xem là đạo. Mảnh đất kỳ diệu khi xem "văn dĩ tải đạo" để làm đạo nghĩa cho mình.
Ghe Sấm của ông nhà Lớn
Di tích cổ bằng gỗ lớn nhất nước
Quần thể kiến trúc nhà Lớn trọng mộc có diện tích gần 20.000m2, gồm lầu Lớn và khu phố cổ với nhà chợ, nhà mát, khu trường học, nhà ghe Sấm, các dãy phố... Tất cả tuy không trang hoàng lộng lẫy nhưng uy nghiêm và mang dáng dấp riêng. Điều thú vị nhất là được sống trong cảm giác của thế kỷ trước.
Người dẫn tôi đi tham quan là một phụ nữ có nụ cười trầm ấm, phong cách lịch sự khi lúc nào cũng "Dạ, thưa". Dẫn khách tham quan phải đúng giờ, đi chân trần khi vào nhà Lớn và mặc áo dài đen. Tôi thắc mắc khi người hướng dẫn thay bộ đồ rất lịch sự để mặc vào chiếc áo dài đen. Dì ấy trả lời giọng nhẹ nhàng trầm ấm, thật đúng là một vị chủ nhà hiếu khách. Đó là vì muốn thể hiện sự kính trọng với khách. Lễ giáo có lẽ đã ăn sâu vào cư dân đảo rồng, nhất là hậu duệ ông Trần.
Khu nhà Lớn gồm lầu Phật, lầu Dài, lầu Cấm, nhà Thánh, lầu Giữa, lầu Tiên. Tất cả đồ dùng đều còn nguyên vẹn từ bộ bàn ghế, ấm trà, chén đũa... Có bộ sưu tập đồ cổ rất giá trị và bộ tranh lụa Lục Vân Tiên giống như "linh hồn" của đạo Ông Trần. Đáng chú ý là bộ salon bát tiên gồm một bàn hình chữ nhật được chạm trổ tinh vi và tám chiếc ghế có niên đại 200 năm, tương truyền vua Thành Thái ban tặng. Bộ tủ thờ 33 chiếc được cẩn xà cừ có nguồn gốc Hà Đông. Các cổ vật trang trí nội thất là bao lam, hoành phi, câu liễn... đều được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Quần thể nhà Lớn nhìn từ trên cao
Nghe kể lại tất cả đều được "ông Trần" tự làm, ngay cả lối kiến trúc ông cũng tự thiết kế. Cả những bức tranh thủy mạc trên tường ông cũng vẽ luôn.
Khu nhà Lớn giống như mê cung, các góc cạnh, đường dẫn liên tiếp thay đổi gợi sự tò mò khám phá. Mải tham quan tôi lạc mất người hướng dẫn. Ở đây nếu chơi trò ú tim thì không gì tuyệt vời bằng. Từ trên cao nhìn xuống, xung quanh đẹp lạ lùng bởi mảng xanh của rừng, mảng vàng của đất và mảng đỏ của mái ngói bình yên.
Ngày lễ giỗ ông (ngày 5-5 âm lịch), có khoảng 15.000-20.000 lượt khách đến tham quan. Mọi người đều được thết đãi chu đáo cơm nước từ sáng đến tối với 60 bàn. Nhà Lớn đãi khách bằng cơm chay và không hề thu phí. Khách thập phương tứ xứ đổ về. Cũng có những đoàn khách đi Vũng Tàu tranh thủ ghé qua tham dự, hưởng bầu không khí ân tình của những ngày lễ con cháu nhà Lớn.
Khách có thể ở lại nhà Lớn trong nhiều ngày coi như một nơi dừng chân lý tưởng sau những ngày mệt mỏi của cuộc sống hiện đại.
-theo 24h.com.vn-
http://www25.24h.com.vn/news/detail/...h?next_news=72
__________________
Nhìn CD vẫn còn thèm làm sao...là sao....
To view links or images in signatures your post count must be 0 or greater. You currently have 0 posts.
Cho chừa cái tội.....