-Thời kỳ phát triển, người dân khá giả lên nhiều, nhu cầu thưởng ngoạn cũng lên cao, riêng nói về cây kiểng, trước đây các cụ nhà ta chỉ chơi những cây mang tính truyền thồng như sanh, si, đa, đề… Nhưng nay số chủng loại cây kiểng càng ngày càng đa dạng, một số trong đó trước giờ mang tính cây dại, bỗng dưng vì cái tên lại trở nên cao quý. Thí dụ là cây sung, mọc đầy chốn bờ ao, nay trở thành một loại cây mang lại ý nghĩa sung túc, chung quy cũng vì cái tên, nhưng nếu có thêm 1 chùm trái căng mọng, thì giá trị đội lên gấp 3-5 lần. Tương tự là cây lộc vừng, vốn là loài cây dại, thường ở mé các con nước có khắp ba miền, đôi lúc mùa trổ, rũ những màn hoa rực rỡ khó quên. Thời đó những người chơi lộc vừng rất ít, một số vùng, loài cây này còn mang cái tên đậm chất quê như cây mưng, đọt chiết… Thế rồi cũng có lúc phong trào chơi lộc vừng phát triển mạnh, người ta tin rằng có một cây trong nhà cũng như cái lộc trời cho, mà đặc biệt là được ngắm những chồi lộc đỏ tươi non hay màn hoa lộc vừng hứa hẹn những ý nghĩa tốt đẹp thì còn gì bằng, cái sở thích là thế, thật là cũng chính đáng. Thế là người người đi buôn sung, lộc vừng, thậm chí tổ chức đánh cắp như báo chí đã đưa tin.
Một chậu bonsai lộc vừng như vậy có giá rất cao.
Nhưng lẽ thường, để cây sung có trái, lộc vừng có hoa, lại là lúc đem đi bán, thực là không dễ tí nào, mặc dù giá cả thường rất cao, gấp nhiều lần. Chính vì cái lợi nhuận hấp dẫn đó đã khiến một số người làm một cái nghề chẳng giống ai: “hóa phép” cây ra hoa, ra trái, mà thường là còn đẹp hơn cả tự nhiên… Chủng loại cây bị “hóa phép” rất nhiều, điển hình nhất cho trái là sung, sơ ri, còn với hoa là bông bụp, lộc vừng, kim phát tài, một số cây chơi thế, còn được hóa phép thành một gốc lớn, thế hoàn chỉnh như mai vàng
Một người bán dạo chở cây sung và bông bụp được gắn hoa và trái vào để đem bán, kêu giá 700k cho gốc cây sung, và 250k cho gốc cây bông bụp. Bi mà trả giá 50% là dính đòn liền, dù rằng giá đó cũng là gấp 3 lần cây thật sự (không có hoa).
Nói chung, để biến 1 cây từ không trở thành có trái, có hoa, cơ bản nhất là gắn thêm cho cây, bí quyết rất đơn giản, chỉ cần khéo 1 chút, hái chùm trái sung, hay sơ ri, từ cây khác, khoan 1 lỗ vừa đút lọt cuống trái vào, sau đó dán keo lại, thêm vài chùm nữa, thế là ta đã có ngay 1 cây đầy quả. Cũng cách như thế người ta “trồng” được một cây lộc vừng hay bông bụp đầy hoa.
Kim phát tài thì người ta dùng 1 cây đũa tre tách rễ ra từ trên xuống dưới, gắn 1 cành hoa gừng đỏ tươi, cái cuống trắng của hoa gừng lẫn trong chùm rễ trắng cũng cùng màu, có Thánh mới biết. Vậy là tha hồ ca tụng, cây là kim phát tài, có hoa là sẽ phát tài, bà con nhà mình thấy cây cũng dễ thương, có hoa cũng đẹp mà nghe cái vụ phát tài cũng bùi tai, thế là móc túi thôi.
Mai vàng có gốc lớn rất hiếm và đắt, thế là người ta nghĩ ra cách tạo gốc cho cây mai, bằng hỗn hợp bùn, xi măng, và thêm 1 tý bột màu, đắp vào cái gốc vốn bé xíu, tạo màu cho giống rêu, thế là có một gốc lớn, hình thù quái lạ, như đã có tuổi hàng chục năm… Bi tui là dân mê cây kiểng, thế mà nhìn thấy vẫn còn phục lăn. Chả trách người dân không nghi nghờ gì, thế là mất oan một số tiền cho những kẻ lừa đảo công khai này. Khi biết ra thì đã muộn, biết kẻ bán dạo hôm nào ở đâu. Sự vui mừng được sở hữu cây đẹp biến thành nỗi thất vọng cộng với tâm trạng của người bị lừa, thật khó mà nguôi.
Đó là chưa kể các chiêu thức cũ như: cắm cây mai hoặc cây cảnh xuống đất, ngụy tạo ra 1 cây có rễ, đang sống khỏe mạnh. Mua về nhà vài ngày chết dần mòn, khi nhổ lên mới biết chỉ là 1 cành.
Các đặc điểm để tránh được các vụ lừa đảo này
- Thường những người lừa đảo chỉ là người đi bán dạo, các cửa hàng cố định không bao giờ dùng chiêu thức này.
- Các cây bị gắn keo thường nếu để ý kỹ, các cuống trái, cuống hoa chỗ tiếp giáp với thân cây thường rỉ nhựa ra, ươn ướt, do bị khoan phạm vào thân cây, và một số chỗ có màu trắng, do keo dính gặp nước tạo màng trắng.
- Hoa hoặc trái thường được người bán dạo phun nước giữ tươi luôn luôn. Bạn để ý sẽ thấy. Nhưng sẽ có 1 số chùm bị héo nhẹ, nhất là những cây qua 1-2 ngày.
- Cây sung bon sai có tốt lắm cũng chỉ ra một số lượng trái nhất định, và rải đều. Cây sung gắn thêm trái thường mang trái từng chùm, khoảng 10 trái, ít khi nào có 1 trái/1 chùm, mỗi chùm 1 cuống, và chỉ từ 4-7 chùm tập trung, vì dễ gắn.
Trái sung được gắn vào thân, nơi cuống còn ươn ướt, nhựa sung rỉ ra do bị khoan, khô lại thành màu đen.
- Lộc vừng có hoa gắn thường chỉ toàn nụ, rất ít hoa nở, bông bụp cũng vậy. Và người ta thường gắn rất dày, thành 1 một màn rất đẹp mắt. Nhưng thực tế khó mà ra bông như vậy với những cây bon sai, hoặc cây đem bán. Người ta cũng ko dám gắn những dây bông có hoa nở vì bông lộc vừng dễ héo.
- Bông bụp được gắn thường là màu vàng, chỉ toàn nụ và mật độ dày, ít lá.
Một gốc cây bông bụp giả, một bác lớn tuổi mua, khi nghe xong, bác buồn rười rượi đến nỗi Bi thấy ân hận vì đã nói.
- Kim phát tài thật ra có hoa giống như trái mít non màu vàng nhạt, không có hoa màu đỏ.
Hoa thật của cây Kim phát tài
Và những chậu hoa giả bán lề đường
- Cây sơ ri dạng bon sai ra trái thường ít, những cây ra trái nhiều thường được trồng ngoài đất có cành lá sum xuê.
- Cây mai tạo gốc bằng xi măng thường cũng rất khéo, nhưng nếu nghi ngờ hãy lấy móng tay hoặc chìa khóa cạo nhẹ lớp vỏ những chỗ nghi ngờ, nếu dễ tróc vỏ, hoặc khi tróc ra màu xanh bên trong thì mới đúng là cây thật. Còn cây giả thì cào gãy móng.
Bi tui cũng bức xúc với tình trạng lừa đảo nhan nhản này trên đường phố lắm. Nhưng một mình mình không làm được gì. Một đôi lần cũng nổi đóa với những kẻ gian đó, nhưng cũng chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng mỗi lần nhìn vẻ mặt buồn rười rượi của những người đã biết gặp cây đểu, hay nét mặt hớn hở hy vọng của người mới mua, chưa biết, đang trên đường về nhà, thì thấy như mình có lỗi. Nay chỉ còn cách viết bài, chia sẻ một chút thông tin cho các ae mong là sẽ tránh được hoặc là có cách gì đó tốt hơn. Là một người cũng mê cây kiểng, Bi tui hiểu rất rõ tâm trạng của những người bị lừa thế này. Mùa Tết sắp đến, anh chị em có mua cây kiểng dọc đường thì hãy cẩn thận nhé.