Lại thêm một kẻ “đốt đền” để mong được “nổi tiếng”?
(Thứ sáu , 24/10/2008, 06:22)
[IMG]http://www.congan.com.vn/img_2008/10/20081023/5A-Ds337.jpg[/IMG]
Khách nước ngoài đang xem lịch sử Việt Nam
Nhà văn nữ Nguyễn Thúy Ái vừa trình làng tháng 7-2008 tập truyện ngắn Tột đỉnh tình yêu trong đó có truyện thứ 13 Trở về Lệ Chi viên” là “nổi đình nổi đám” hơn cả. Nổi đình đám không phải nhờ cốt truyện hay, lời văn đẹp, mà là sự xúc phạm đến cùng cực danh nhân Nguyễn Trãi trong vụ oan án trại vải hơn 600 năm trước. Vụ oan án Lệ Chi viên không phải là nỗi đau riêng của vị anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn Nguyễn Trãi và dòng họ ông, mà là nỗi đau chung của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Chưa có vụ án oan nào bi thảm hơn thế. Hai mươi năm sau ngày thảm sát tru di tam tộc đó, vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân nhà Lê, xuống chiếu minh oan cho vị đại công thần trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược những thập niên đầu thế kỷ 15. Trong đó có câu “Ức trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê) tưởng không có đánh giá nào về nhân cách Nguyễn Trãi hay hơn, chính xác hơn. Và hơn 600 năm qua, những sĩ phu, văn nhân nghệ sĩ chân chính khi nói về cuộc đời, sự nghiệp cũng như oan án thảm khốc Lệ Chi viên của Ức Trai tiên sinh đều dành cho ông sự kính trọng đặc biệt, sự thông cảm sâu sắc bằng những lời trang nhã, thanh tao nói lên tấm lòng hậu thế đối với bậc tiền nhân làm vẻ vang cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Ông xứng đáng với lời tuyên dương danh nhân văn hoá thế giới của tổ chức UNESCO LHQ nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1380 - 1980): “Người có tầm tư tưởng vượt xa thời đại mà Người đang sống”. Những thập niên cuối thế kỷ 20 có các tác phẩm sân khấu như Nguyễn Trãi ở Đông Quan của nhà văn Nguyễn Đình Thi, Rạng ngọc Côn Sơn của soạn giả Xuân Phong Bí mật vườn Lệ Chi của nhà viết kịch Hoàng Hữu Đản, Sáng mãi sao khuê của hai soạn giả Dương Linh - Huỳnh Minh Nhị. Nhà văn nữ của nước Pháp Yvcline Foray đã viết tiểu thuyết Vạn Xuân dày trên 1.200 trang nói về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ với tấm lòng tôn kính của người nước ngoài đối với vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ 15.
Vậy mà, vào thập niên đầu thế kỷ 21 có một nhà văn nữ người Việt từng là cô giáo dạy văn tên là Nguyễn Thúy Ái đã viết về ông - qua truyện ngắn Trở về Lệ Chi viên - miệt thị ông như một kẻ đầy âm mưu, dã tâm, mê sắc dục và háo danh đến nỗi dâng vợ cho vua để mưu cầu lợi danh ở tuổi cuối đời, còn Nguyễn Thị Lộ là một phụ nữ nhà quê, vô học, gian dâm và cả... bạo dâm!” (lời toà soạn Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 35, bộ mới, ngày 18-9-2008).
Không hiểu khi còn là cô giáo dạy văn, Nguyễn Thúy Ái đã dạy cho học sinh những gì về Nguyễn Trãi, tác giả của Bình Ngô đại cáo một thiên cổ hùng văn của dân tộc Việt Nam?
Dân gian ta có câu “suy bụng ta ra bụng người”, lại cũng có người nói “Văn tức là người”, người làm sao thì viết văn làm vậy. Qua một số truyện ngắn trong Tột đỉnh tình yêu, các nhân vật nữ - đặc biệt nổi bật là nhân vật Nguyễn Thị Lộ - người đọc hiểu thêm Nguyễn Thúy Ái, một “chuyên gia” viết chuyện phòng the với những câu văn mà người đọc đôi khi thấy phát ngượng, và một Thúy Ái khác rất sắc sảo, cay nghiệt và độc ác đối với nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi. Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét của tác giả Trí Nhân trong bài báo Xúc phạm tới danh nhân văn hoá là có tội! trên Báo SGGP ra ngày 2-10-2008: “Hay là người ta muốn được nổi danh? Tôi đọc lại trang đầu truyện, tác giả viết: “Mọi đau khổ bất hạnh của con người cũng do việc sống trái đạo mà ra. Bôi xấu danh nhân, xuyên tạc lịch sử, đặt điều ác cho người lương thiện, phải chăng là hợp với đạo? Không thể nhân danh văn chương nghệ thuật để làm trái với tình người, với đạo trời như thế. Xúc phạm tới tiền nhân, nhất là đối với danh nhân văn hoá là có tội”.
Đã khẳng định việc xúc phạm danh nhân lịch sử là có tội thì phải nghiêm trị. Phải có kỷ luật thích đáng như treo bút có thời hạn hoặc treo vĩnh viễn, nếu xét thấy việc loại bỏ hạng người xấu đó ra khỏi trận địa văn chương là cần thiết. Nếu không nghiêm trị ra ngô ra khoai thì sau danh nhân Nguyễn Trãi, sẽ đến lượt danh nhân nào, anh hùng dân tộc nào trong lịch sử cận đại hay đương đại bị ngòi bút cay độc của Nguyễn Thúy Ái bêu riếu, xuyên tạc nữa?
Cũng chỉ vì chúng ta lơ là mất cảnh giác - khi đất nước bắt đầu đổi mới, mở cửa - đã không nghiêm trị các truyện ngắn xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh nhân anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung - trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (thậm chí có người còn ca ngợi, đề cao nhà văn này!) nên nay mới dẫn đến “Trở về Lệ Chi viên” của Nguyễn Thúy Ái, một kẻ “đốt đền” mới trong làng văn thành phố để mong được nổi tiếng?
DƯƠNG LINH
Nguồn từ
http://www.congan.com.vn:3333/home/van_ ... 081023.251
__________________
Nghèo ơi là nghèo nhưng vẫn đẹp chai ^_^