Trở lại   HOANGTUDEN CD CLUB > DẶM TRƯỜNG THIÊN LÝ > Mọi miền đất nước

Chú ý

Mọi miền đất nước Giới thiệu về các tỉnh thành bạn đang sống, đã đi qua hay có hiểu biết về.

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Cũ 12-01-2009, 02:37 PM
khoablack's Avatar
khoablack khoablack vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe lên cốt 2
 
Tham gia ngày: Nov 2008
Bài gởi: 251
Thanks: 26
Thanked 477 Times in 113 Posts
Mặc định Đường mòn Hồ Chí Minh: Thám hiểm địa đạo mới

Đường mòn Hồ Chí Minh: Thám hiểm địa đạo mới
Cuối tháng 11/2008, có thông tin cán bộ và bà con Cơ Tu ở vùng biên giới Việt - Lào vừa phát hiện ngay bên khu vực đoạn đường Trường Sơn Đông - Di tích lịch sử cuối cùng về con đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước - một hệ thống địa đạo với quy mô rất lớn. Đây là nơi nhân dân và cán bộ trong Nam, ngoài Bắc trú chân, là nơi cất giữ lương thực, vũ khí, trang thiết bị chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam trong những năm đánh Mỹ khốc liệt.


Cửa vào địa đạo.

Từ những thông tin ban đầu
Cuối tháng 11/2008, Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) đã thành lập một đoàn công tác cùng với UBND huyện, Hội Cựu chiến binh (CCB) khảo sát khu vực có địa đạo theo nguồn tin báo của cán bộ và nhân dân địa phương. Sáng ngày 26/11/2008, xuất phát từ thị trấn AGrồng, Tây Giang, chúng tôi ngược ADích, theo đường Hồ Chí Minh về hướng A Lưới, Thừa Thiên Huế khoảng 10km, thì tới điểm rẽ vào nhánh đường Trường Sơn Đông, nằm ở địa phận thôn A Tép và A Sờ, xã A Nông, Tây Giang. Đây là đoạn đường Trường Sơn được bộ đội ta làm trong những năm chống Mỹ cứu nước, còn sót lại duy nhất trong cả hệ thống tuyến đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” hào hùng năm xưa.

Ông A Lăng Đàn - Chủ tịch Hội CCB huyện Tây Giang cho biết, đoạn đường này còn nguyên vẹn khoảng hơn 14 km, nối từ đường Hồ Chí Minh hiện nay đến cột mốc T2, biên giới Việt-Lào. Rồi theo sự chỉ dẫn của A Lăng Đàn, đoàn chúng tôi ngược theo đoạn đường Trường Sơn Đông chừng 10km nữa, dừng lại bên một sườn núi khu vực thôn An Sò. A Lăng Đàn khoát tay: “Toàn bộ khu vực này có rất nhiều hệ thống đường hầm đào xuyên núi trong những năm đánh Mỹ, cách đây một tháng (tháng 10- 2008), khi nghe nhân dân ở A Nông báo về huyện, chính tôi đã cùng anh Bhriu Liếc - Chủ tịch huyện Tây Giang lên khảo sát và phát hiện hai hệ thống hầm sâu trong núi còn khá nguyên vẹn...”.


Đoàn thám hiểm trên đoạn đường Trường Sơn năm xưa.


Hành trình đến địa đạo
A Lăng Đàn dẫn đoàn chúng tôi tạt sang sườn núi phía bên phải đoạn đường Trường Sơn Đông để tới một địa đạo gần nhất. Vượt qua một khoảng rừng non đang hồi sinh, do bị tàn phá của bom đạn sau những năm chiến tranh, dọc đường đi, A Lăng Đàn chỉ cho chúng tôi quan sát những đoạn đường do nhân dân và bộ đội ta mở để kéo pháo, cho xe ô tô chở lương thực, vũ khí, nhiều đoạn vẫn còn khá nguyên vẹn, còn nguyên cả những đường kè bằng đá, gốc cây chặt hạ làm đường cách đây đã hơn 40 năm.

Trường Sơn Đông đang mùa mưa dầm. Trên đường chúng tôi đi, cây rừng rậm rạp, vắt nhiều vô kể, mặc dù đã được chuẩn bị bao bịt kín chân tay bằng tất và bao ni-lông, nhưng hàng đàn vắt ngoi lên tua tủa từ những đám lá mục ẩm ướt sẵn sàng nhào cắm thẳng vào thân thể chúng tôi. Chốc chốc, A Lăng Đàn lại dừng bước, gạt hàng chục con vắt đã cắn no máu trên cổ chân ông làm chúng tôi co rúm chỉ chực muốn nhảy cẫng lên, nhưng với ông dường như đã quá quen với cảnh đó nên cứ luôn miệng tươi cười như động viên chúng tôi: “Ăn thua gì, ngày xưa đi đánh Mỹ còn cực gấp trăm lần ấy chứ...”.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng lại bị một con vắt xanh “lẻn” ngay vào bên cổ áo, chỉ đến khi nó hút căng mọng máu mới phát hiện, làm máu chảy từ vết cắn đầm đìa trên cổ ông. Hơn 30 phút vật lộn với con đường trơn trượt đầy vắt, chui luồn trong rừng rậm, A Lăng Đàn đã dẫn chúng tôi đến địa đạo đầu tiên, theo ông nói, đây là địa đạo dễ đi nhất.


Lòng hang trong hệ thống địa đạo khá rộng.

Đứng trước miệng hầm dẫn vào địa đạo, A Lăng Đàn giảng giải: “Đây là đường hầm xuyên núi, được cán bộ, du kích, bà con Cơ Tu thôn A Sò, A Nông đào từ năm 1964 - 1965, để đưa nhân dân vào trú ẩn tránh những cuộc càn quét của Mỹ - Ngụy đánh phá lên vùng căn cứ cách mạng của ta. Sang năm 1967, khi bộ đội và du kích ta tiêu diệt được đồn A Tép và căn cứ, sân bay A Sò của Mỹ - Ngụy, bộ đội công binh và lực lượng thanh niên xung phong mở nhánh đường Trường Sơn Đông từ biên giới Việt - Lào, nối từ đường Trường Sơn Tây. Ta mở tuyến đường này nhằm nối tuyến đường Trường Sơn về gần hơn với khu vực đồng bằng miền Trung, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị và đưa bộ đội mở các chiến dịch đánh về đồng bằng”.
Theo A Lăng Đàn, bộ đội ta đã tiếp quản hệ thống đường hầm xuyên núi này và tiếp tục cải tạo, đào sâu, mở rộng thêm để hệ thống đường hầm trở thành nơi trú chân, hội họp của cán bộ ta từ Bắc vào, từ Nam ra, tiếp đón các đoàn cán bộ, học sinh từ Nam ra Bắc học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ... Đặc biệt, trong hệ thống đường hầm có một bệnh viện lớn của quân đội, điều trị thương binh từ các chiến trường dưới đồng bằng và dọc đường Trường Sơn đưa tới. Có cả hệ thống kho tàng chứa các trang thiết bị, vũ khí, lương thực được vận chuyển từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, chuẩn bị các chiến dịch lớn cho công cuộc giải phóng miền Nam...

Phát lộ hệ thống địa đạo đặc biệt

Mặc dù cửa đường hầm đã trải qua hàng chục năm sau giải phóng, bị mưa lũ làm sạt lở đất đá vùi lấp, chỉ còn một khoảng chui vừa lọt một người vào, nhưng khi từng người trong đoàn chúng tôi lọt qua cửa miệng hầm, ai cũng bất ngờ, trầm trồ vì phát hiện đây là một hệ thống địa đạo rất lớn sâu trong lòng núi. Tôi đã từng đến địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)... nhưng so với các địa đạo trên, đây thực sự là một hệ thống hầm ngầm chứ không còn là một địa đạo đơn thuần.


Lòng địa đạo đủ rộng để ba người đứng nói chuyện.


Phải dùng đèn pin soi sáng, nhưng chúng tôi cũng tiến sâu vào trong hệ thống hầm gần 100m. Đường hầm được đào rộng tới gần 2m, cao gần 2m, có thể 3 người cùng đi hàng ngang thoải mái. Cứ cách khoảng 5m, lại có một ngách được đào cao lên, nâng độ rộng của hầm tới khoảng 10m2, nhiều chỗ còn nguyên cây rừng cắm để chống đỡ, mái tuy đã mục nát. “Những ngách đó là nơi để bộ đội, nhân dân kê sạp nằm ngủ và chứa lương thực, trang thiết bị. Trên đoạn hầm chúng tôi vào quan sát, có tới hơn 10 ngách hầm như vậy. Do hầm được đào sâu vào trong núi, lại khô ráo, có nhiều dơi, chuột sinh sống, nên mặc dù bỏ hoang rất lâu, nhưng không có thú dữ, trăn rắn vào sinh sống. Hệ thống hầm vẫn khô ráo, sạch sẽ, vẫn còn hằn in những vết cuốc xẻng khi đào hầm, càng quan sát làm tôi càng bùi ngùi nhớ tới một thời chiến tranh bom đạn khốc liệt”, A Lăng Đàn nhớ lại.

A Lăng Đàn cũng hé lộ rằng, người dân nơi đây cho biết, trong khu vực chúng tôi đang đứng, hiện còn 5 hệ thống hầm trong núi như thế nữa, với chiều dài tới hàng km nhưng do cây rừng rậm rạp, có hầm bị sạt lở lấp miệng cửa hầm, lại do Trường Sơn đang là mùa mưa nên chưa có điều kiện để đến được. Còn Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng quả quyết, trong thời gian tới, khi hết mùa mưa, huyện sẽ tổ chức cho lực lượng thanh niên, phát dọn đường đi, cùng cán bộ, nhân dân địa phương, khảo sát, vét dọn đất đá tại tất cả các cửa miệng hầm đã bị sạt lở, có kế hoạch sửa sang, tôn tạo, bảo quản tất cả hệ thống đường hầm lịch sử này...

Một di tích lịch sử quan trọng

Trên đường trở về huyện, khi đi ngang trung tâm xã A Nông, A Lăng Đàn giới thiệu cho chúng tôi biết, không riêng gì khu vực núi A Sò, giáp đoạn tuyến đường Trường Sơn Đông có hệ thống địa đạo mà ngay cách UBND xã chưa đầy 1km, sát bên dòng suối A Nông cũng có một hệ thống địa đạo dài hơn 100m nữa, ăn sâu vào lòng núi, được du kích và nhân dân A Nông đào từ năm 1962.

Vùng A Nông và cả huyện Tây Giang từ hồi kháng chiến chống Pháp và trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một trong những căn cứ địa cách mạng vững chắc ở vùng phía Tây Quảng Nam. Qua tìm hiểu, trong kháng chiến chống Mỹ, du kích A Nông đã bắn rơi tại chỗ 6 máy bay và bắn bị thương 11 máy bay địch, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - Ngụy, thám báo, biệt kích, góp phần cùng bộ đội bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch Đông Trường Sơn và toàn bộ hệ thống kho tàng, trạm giao liên nơi trú chân, hoạt động công tác của bộ đội các đoàn cán bộ, học sinh trong Nam, ngoài Bắc qua lại. Đồng bào Cơ Tu ở A Nông, Tây Giang một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ cách mạng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, A Nông là một trong những địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT sớm nhất của huyện Tây Giang và các địa phương miền núi phía Tây Quảng Nam. Từ sau ngày giải phóng đến nay, với truyền thống anh hùng của quê hương cách mạng, A Nông cũng là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của các địa phương miền núi Quảng Nam.

Được sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền cùng sự phối hợp giúp đỡ tận tình, sâu sát của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, A Nông là địa phương đi đầu trong phong trào trồng lúa nước, chăn nuôi bò và trồng rừng. Ở A Nông và cả Tây Giang, người Cơ Tu một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, ai ai cũng chăm lo việc phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Trên đường Trường Sơn Đông, chúng tôi gặp cụ bà A Lăng A Lơ, năm nay đã gần 80 tuổi, ở thôn A Tép đang đưa cháu nội đi học ở điểm trường tiểu học. Nụ cười móm mém, nhưng rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu, cụ bà khoe với chúng tôi: “Ngày xưa mình cũng là du kích, cũng tham gia đào hầm trong núi giúp bộ đội đánh giặc...”. Cụ cho biết, trong làng vẫn còn nhiều người như cụ đang sống, dạy bảo con cháu phát huy truyền thống cách mạng của quê hương...


Bí thư huyện ủy Tây Giang Nguyễn Hữu Sáng (bên trái) cùng tác giả trong địa đạo.


Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hữu Sáng cho biết, ngay trong ngày 28/11/2008, Huyện ủy, UBND và các Ban ngành đoàn thể huyện Tây Giang đã có cuộc họp và thống nhất báo cáo trình UBND tỉnh, ngành Văn hóa Thông tin, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đề nghị tổ chức một đoàn khảo sát, quy hoạch lại các điểm di tích hệ thống địa đạo ở A Nông, Tây Giang. Và tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ địa phương để tôn tạo, bảo quản các di tích đoạn đường Trường Sơn Đông qua Tây Giang, hệ thống địa đạo xuyên núi ở A Nông, Tây Giang, xét công nhận trở thành một Di tích lịch sử cách mạng.

“Di tích lịch sử cách mạng này sẽ là một điểm nhấn quan trọng nhằm giúp cho các thế hệ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sẽ trở thành một điểm thăm quan, du lịch hấp dẫn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở vùng sâu, vùng xa Quảng Nam trong thời gian tới”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng nói về “ngày sáng” của những địa đạo ghi dấu một thời oanh liệt.

khoablack (st)
nguồn Giadinh.net
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 3 Users Say Thank You to khoablack For This Useful Post:
cuabien (12-01-2009), let-it-be (12-01-2009), phuongibst (12-01-2009)
Trả lời


Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách)
 

Quuyền Hạn Của Bạn
Bạnkhông thể tạo chủ đề
Bạn không thể gửi Trả lời
Bạn không thể gửi Đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của bạn

BB code thì Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:04 AM.


Powered by: vBulletin v3.x.x Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.