Ngày trước, dịp cận Tết, mẹ thường dẫn anh em tôi đi làng Chuồn đặt bánh cho cả họ hàng. Với lũ trẻ như tôi, được về làng quê, lăng xăng phụ các mệ, các o, tước sợi dây, lau cái lá, được các ôn khen thằng này ngoan, hứa thưởng cho cái bánh quê là lòng thấy vui hơn Tết.
Gần hai mươi năm xa quê, lòng vẫn không nguôi nhớ về quê hương, dịp Xuân về lại càng nhớ quay quắt cái ngày cận Tết năm nào, được bóc cái bánh chưng nhỏ, mà ôn hứa dành riêng cho 2 anh em ở mẻ bánh đầu tiên. Ôi cái hồi ức xa xưa, lại hiện lên sống động qua làn hơi nóng ấm áp, miếng bánh nếp béo ngậy, đầy đủ cả nhân đậu vàng ươm và miếng thịt mỡ béo mà không ngấy, như mềm tan trong miệng. Hai thằng bé con chia nhau cái bánh nhỏ, thòm thèm vét thêm miếng nếp xanh màu lá còn dính lại bên rìa. Cái miệng hai anh em còn dính những vệt nếp xanh, ôn mệ lại cười khề khà hiền lành. Tối đến, được ngủ thức canh nồi bánh chưng sôi sùng sục, ánh lửa hồng ấm áp xua đi cái lạnh của những ngày chớm Xuân. Mẹ lại âu yếm chiều 2 anh em cho đến lúc ngủ gục rồi nhẹ nhàng bồng vào trong nhà. Trong giấc mơ êm đềm ấy, cảnh Tết hiện lên thật thiêng liêng và đầm ấm, có gia đình sum họp, có áo mới, có tiền lì xì, và tiếng pháo nổ đì đùng, bên cành mai vàng rực rỡ ngày Xuân.
Cũng gần mười năm trở lại đây, mẹ tôi lại đặt bánh làng Chuồn, những cái bánh vừa phải, một người ăn, được gói trong lớp lá chuối sứ dày để bánh ngon và để được lâu. Bà con họ hàng đến ăn, tấm tắc khen, lại nhờ đặt giùm. Những ngày cận Tết, nhà lại rộn rã những hàng trăm cặp bánh, những chả, nem ... hương vị gửi từ cái xứ đệ nhất ẩm thực miền Trung. Với tôi, cái tuổi tam thập nhi lập, lại vẫn nhớ ngày hai thằng bé con ngồi chồm hổm quanh bếp lửa hồng, chờ đợi cái bánh chưng gói dành riêng cho hai đứa.
Bánh chưng bánh tét làng Chuồn
Nổi tiếng từ bao đời nay, được mọi người dân Huế và nhiều người trong cả nước biết đến, bánh chưng, bánnh tét làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mang hương vị làng quê ấm áp hòa cùng niềm vui Tết đến xuân về đến với mỗi một gia đình. Ngày trước, bánh của làng được nấu bằng nếp Tây, loại nếp đặc sản tạo danh tiếng cho làng từ thời vua Bảo Đại. Ngày nay, nếp Tây đã mất giống, làng lại nấu bằng nếp thơm, nếp lai. Làng Chuồn được mệnh danh là làng nấu bánh tét ngon nhất xứ Huế từ xưa đến nay.
Từ khoảng ngày 25 đến ngày 29 âm lịch tháng chạp, hầu như gia đình nào ở Làng Chuồn cũng nhộn nhịp cảnh làm bánh tét. Nhà thì đang lau lá, vuốt nếp, nhà thì đang gói bánh Bà con cho biết, nồi bánh sau 12 tiếng nấu sẽ được vớt ra và có thể để được trên 10 ngày để dùng dần.
Ở làng Chuồn, hiện có trên 700 hộ, vào dịp Tết 100% gia đình đều làm bánh tét, hộ ít cũng vài chục chiếc/ngày. Vì vậy trong dịp này, từ làng Chuồn, hàng chục ngàn chiếc bánh tét đã có mặt trong các gia đình ở Huế và các thành phố lớn trong cả nước, mang lại một hương vị riêng, bên cạnh mâm cỗ Tết của mọi nhà.