Trở lại   HOANGTUDEN CD CLUB > DẶM TRƯỜNG THIÊN LÝ > Mọi miền đất nước > Miền Trung

Chú ý

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Cũ 12-07-2009, 01:06 AM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế

Vùng đất Cố đô - một vùng đất thấm đẫm văn hóa, với những lăn tẩm các vua triều Nguyễn, với Kinh thành xưa, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén,...
Một thành phố nhỏ yên bình, phố nhỏ rêu phong, soi bóng bên dòng sông Hương thơ mộng, với một nhịp sống chậm rãi khác hẳn Sài Gòn đông đúc náo nhiệt.
Trung tuần tháng 6/09, tôi có dịp ghé qua và dừng lại ở Huế. Do thời gian cũng kẹt, nên chỉ ở Huế được vẻn vẹn 28 tiếng, từ 14g30 hôm trước cho đến 18g30 hôm sau, lại đúng vào dịp cả nước gặp đợt nắng nóng, Huế nóng như thiêu.

Tuy sau đây là những hình ảnh, những câu chuyện, những truyền thuyết về mảnh đất Cố đô, được sắp theo thứ tự thời gian tôi ở Huế, nhưng không phải viết về hành trình của một chuyến đi, mà về một vùng đất thì đúng hơn, nên để nó nằm trong "Mọi miền đất nước" chứ không ở "Nhật ký các chuyến đi".
Vì chỉ có 28 giờ (kể cả thời gian ... ăn,ngủ), nên tôi đi không ngừng, vừa đi vừa chụp - tất nhiên, phần lớn là đi bộ, vì thế, ảnh rất nhiều, post lên sẽ không thể nhanh được.

Theo thứ tự thời gian, có các phần :

- Part 1 : Chùa Thiên Mụ
- Part 2 : Huế lên đèn
- Part 3 : Đàn Nam giao
- Part 4 : Lăng Minh Mạng
- Part 5 : Quần thể lăng Thiệu Trị
- Part 6 : Kinh thành Huế
- Part 7 : Lăng Dục Đức - Thành Thái - Duy Tân

(các bạn nào có những hình ảnh, câu chuyện hoặc truyền thuyết liên quan, cứ góp vào cùng tôi, chỉ cần sao cho đúng lúc)
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 6 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
1stLady (13-07-2009), Tuanrocker (12-07-2009), cuabien (15-09-2009), funny_bro (12-07-2009), hung_cattuong (12-07-2009), simba (05-09-2009)
  #2  
Cũ 12-07-2009, 01:24 AM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, sát tả ngạn sông Hương, cách Tp Huế khoảng 6km về phía Tây. Con sông Hương, bắt nguồn từ những khe suối từ vùng núi phía Tây Nam huyện Phú Lộc, chảy ngược về hướng Đông Bắc. Đến đoạn gần đồi Hà Khê, dòng sông mở rộng ra, ôm theo chân đồi, uốn tròn qua phía Nguyệt Biều, tạo ra một quãng rộng mênh mông. Trong khung cảnh ấy, đồi Hà Khê như một hòn đảo nằm trong một cái vịnh, toàn cảnh như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.


Sông Hương, khúc chảy ngang chân đồi Hà Khê, nhìn về phía thượng nguồn

Người ta cho rằng, đồi Hà Khê chính là một tảng đá hoa cương trong mỏ đá vôi Long Thọ - Lại Bằng, do đó, khi sông Hương chảy tới chân đồi, dòng nước không thể bào mòn khối đá cứng này để băng qua được, nên sông đã bị uốn dòng lượn tròn qua trước mặt đồi Hà Khê để chảy thẳng về trước Kinh thành.
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 10 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
1stLady (13-07-2009), Tuanrocker (12-07-2009), cuabien (15-09-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (12-07-2009), mobinam (12-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009), thehuy (12-07-2009), wonghong (12-07-2009)
  #3  
Cũ 12-07-2009, 09:18 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Huyền thoại Thiên Mụ :

Người ta đã nghiên cứu các thư tịch cổ còn sót lại, và biết được rằng, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, trên đồi Hà Khê đã có một ngôi chùa, là chùa Thiên Mỗ. Thiên Mỗ, chính là Thiên Mụ, tùy vào thời đại, tùy địa phương mà người ta đọc ra hai cách khác nhau.(Trong Hán tự, chữ Mỗ - hoặc Mụ - có 3 nghĩa : Ta, Bà giáo, Bà lão). Thiên Mỗ hay Thiên Mụ, mang ý nghĩa là : Bà lão ở trên trời (xuống).
Tuy nhiên, cuốn sách cổ nhất nói về ngôi chùa này, lại không hề ghi một lời nào về cái huyền thoại về bà lão trên trời xuống - dù trong sách đó lại nói rất nhiều đến các thần thoại về các đền chùa ở Hóa châu thời đó - vì thế, người ta mới nghĩ rằng, huyền thoại Thiên Mụ có thể do Nguyễn Hoàng hoặc các mưu sĩ của ông nghĩ ra một cách có chủ đích.
Các tài liệu nói về huyền thoại Thiên Mụ, tuy cách nói, lời văn có thể khác nhau đôi chút, nhưng nội dung đều là một. Đại Nam nhất thống chí bộ chính sử thời Nguyễn (1910) chép về huyền thoại này :

Chúa thượng đến xã Hà Khê, thấy giữa đồng bằng nổi lên một gò đất cao như hình đầu rồng ngoảnh trông trở lại, phía trước ngó thẳng ra trường giang, phía sau có hồ, cảnh trí rất đẹp, nhân hỏi thăm nhân dân địa phương, họ nói gò này rất linh dị. Tương truyền ngày xưa có người ban đêm thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục ngồi trên gò mà nói rằng "Sau sẽ có vị chân chúa đến sửa dựng lại chùa này, tụ linh khí để giữ vững long mạch cho được bền vững".
Nói xong thì biến mất, nhân đó mà núi này được gọi là Thiên Mụ sơn. Chúa thượng cho rằng đất này có linh khí, bèn dựng chùa gọi là Thiên Mụ tự


Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An hoàn thành năm 1555 - trước khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa 3 năm - đã nói đến chùa Thiên Mỗ trên đồi Hà Khê. Ngôi chùa ấy có từ bao giờ, do ai dựng, sách không hề nói tới, cũng như không hề có một lời nào về truyền thuyết bà lão áo đỏ. Huyền thoại ấy xuất hiện trong các thư tịch từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu (sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, năm 1719)

Nhưng người ta cũng thừa nhận (qua các tài liệu cổ), việc làm lại ngôi chùa trên đồi Hà Khê và đặt lại tên là Thiên Mụ, chính do Nguyễn Hoàng thực hiện.
Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, khi ông mới 34 tuổi, nhưng đến 44 năm sau ông mới dựng lại và viết lại tên chùa, khiến người ta không khỏi nghi ngờ. Rõ ràng, ông ta là người tài năng, biết nhìn xa trông rộng, tại sao một vùng đất sơn triều thủy tụ như Hà Khê mà sau 44 năm, ông ta mới đụng vào? Đương nhiên chưa chắc đã phải thế, Nguyễn Hoàng chắc chắn đã đi ngang dọc khắp đất Thuận Hóa từ khi mới vào trấn thủ để dò xét thế đất, nhưng ông ta tìm ra nơi núi sông giao hội là Hà Khê khi nào, thì không có sử sách nào nói đến. Người ta chỉ có cách lý giải, khi Nguyễn Hoàng dựng lại chùa, viết tên mới cho chùa, là lúc tiềm lực của ông ta đã đủ mạnh (vì đã qua 44 năm ông ta vào Thuận Hóa), và việc dựng lên một huyền thoại ... có lợi cho mình, là một nước cờ hay. Trước ông, và sau ông, cũng có những người sử dụng thủ thuật ấy để chiếm lợi thế trong việc dựng nghiệp

(Trước Nguyễn Hoàng, thời khởi nghĩa chống giặc Minh, Nguyễn Trãi bí mật cho quân lấy mỡ, mật quét lên lá mấy chữ : Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để cho kiến bâu vào đục thành chữ trên lá, để củng cố lòng dân, gieo hoang mang vào lòng địch.
Sau Nguyễn Hoàng, thời điểm bắt đầu khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Nhạc cũng từng dựng nên màn kịch vị thần trên trời xuống trao gươm báu cho ông ta, trong một đêm huyền ảo trên núi)

Đó là các suy đoán của đời sau, còn huyền thoại vẫn là huyền thoại, và, xét cho cùng, Nguyễn Hoàng quả là một vị "chân chúa" như trong huyền thoại nói đến, khi ông đã có những công lao vô cùng to lớn trong việc khai khẩn, mở đất vào phương Nam sau này.
__________________
Gác kiếm

thay đổi nội dung bởi: tunbo, 29-08-2009 lúc 08:46 PM Lý do: Lỗi chính tả
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 7 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
1stLady (13-07-2009), cuabien (15-09-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (12-07-2009), mobinam (12-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009)
  #4  
Cũ 12-07-2009, 11:08 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Lịch sử chùa Thiên Mụ và lịch sử xây dựng Kinh thành Phú Xuân (Huế) đã quyện lấy nhau rất mật thiết. Nếu coi "huyền thoại Thiên Mụ" là bản "dự thảo" kế hoạch lâu dài của Nguyễn Hoàng, thì sau này, rõ ràng các chúa Nguyễn đời sau đã thực hiện kế hoạch ấy từng bước khá chặt chẽ.
Từ khi Nguyễn Hoàng dựng lại chùa năm 1601, trải qua các đời chúa, vua Nguyễn đời sau, chùa không phải được xây dựng bởi cái tâm nguyện truyền bá Phật giáo, mà sự xuất hiện của ngôi chùa lại cho thấy cái phần Phật giáo đóng góp vào tinh thần dân tộc. Bản thân Nguyễn Hoàng không phải là người ái mộ đạo Phật từ bi. Ông ta cho dựng lại chùa, chủ yếu nằm trong chí hướng "trấn yểm để thu góp khí thiêng cho cuộc đất Thuận Hóa" - như lời trong huyền thoại Thiên Mụ. Ông ta dựng chùa tại một địa điểm đắc địa về phong thủy, trên ngọn đồi có cấu tạo đặc biệt về sự phối hợp giữa sông núi và phong cảnh, xong rồi để đấy, thờ tự ra sao, ai trụ trì, lễ lượt như thế nào,... sử sách sau đó không hề nói tới. Ba năm liên tiếp sau khi làm lại chùa, tổ chức đại lễ, nhưng 12 năm sau đó, cho tới khi Nguyễn Hoàng mất, không có sách nào chép về việc ông ta có quay lại chùa, hoặc trùng tu chùa hay không (Nên nhớ, khi đó thủ phủ của Nguyễn Hoàng đang còn ở ngoài đất Quảng Trị hiện nay, chứ chưa phải là Huế, tận năm 1613, sau khi nối ngôi chúa, Nguyễn Phúc Nguyên mới dời lỵ sở lần đầu từ Ái Tử vào Trà Bát, và còn thêm vài lần dời đổi, mất gần chín chục năm sau nữa, thủ phủ Đàng Trong mới được đặt tại Huế bây giờ - gần chùa Thiên Mụ)

Qua gần 50 năm từ khi Nguyễn Hoàng xây lại chùa, sử sách hầu như không nói tới chùa Thiên Mụ (đời hai vị chúa kế tiếp Nguyễn Hoàng, là Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan). Đến đời chúa tiếp theo là Nguyễn Phúc Tần, năm 1665 mới cho tu sửa chùa. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái (Nguyễn Phúc Trăn) dời đô về Phú Xuân, lúc này công cuộc hoạch định của Nguyễn Hoàng khi xưa coi như đã hoàn thành. Tuy nhiên mấy đời này, các vị chúa Nguyễn thường phải lo việc binh đao với Đàng Ngoài, nên hầu như không quan tâm nhiều đến chùa chiền, đến đời Nguyễn Phúc Chu, ông ta lại là người quan tâm nhiều đến Phật giáo, thời gian ông này tại vị, có nhiều vị hòa thượng Trung Hoa được mời đến các chùa ở Phú Xuân, trong đó có chùa Thiên Mụ.
Đến năm 1714, sau gần 20 năm ngồi trên ngôi chúa, Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa lại chùa Thiên Mụ , làm mới thành một ngôi chùa to lớn hơn nhiều, và gọi là Thiên Mụ Thiền Tự. Việc sửa chữa, xây dựng lại chùa lần này, còn được ghi lại, và hiện vẫn còn trên tấm bia đá lớn tại chùa, trong đó có một đoạn (lời dịch) lời chúa Nguyễn Phúc Chu :
"...Quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc vàng bạc; hễ luật nước đã truyền, công việc xây dựng lâu đài cung điện do quân lính đảm trách chẳng sợ lao nhọc, đến cùng lực có toàn dân giúp sức, cũng chẳng sợ năm tháng kéo dài ..."

Cũng theo lời văn bia của chúa Nguyễn Phúc Chu, người ta cho rằng, toàn bộ đỉnh đồi Hà Khê đã được quân lính san thành mặt bằng vào năm 1714 này, và có thể họ đã sửa sang từ bờ sông, bến nước cho đến các tầng bậc xung quanh đồi. Lần tu sửa, làm mới này, đã tạo nên một ngôi chùa lớn tuyệt đẹp với nhiều nhà cửa, điện đài rực rỡ.

Từ đó về sau, đến khi chúa Nguyễn Phúc Thuần bôn tẩu vào Nam, chùa không được tu sửa thêm nữa. Thời gian quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, rồi thời nhà Tây Sơn đóng đô tại đây, chủ yếu lo việc binh đao, chùa càng xuống cấp, hoang phế.
Năm 1802, Gia Long lên ngôi vua, tuy về cơ bản, ông ta không phải người theo Phật giáo, nhưng Gia Long vẫn lưu ý đến chùa Thiên Mụ, năm 1803 ông ta có làm lễ cầu siêu cho binh sĩ tử trận tại chùa - lúc này gần như đã thành hoang phế, dấu tích huy hoàng thời chúa Nguyễn Phúc Chu xây lại chùa gần như biến mất hết. Tuy nhiên, nhờ vào những may mắn hy hữu, có người còn nghi nhớ được các dấu vết cũ của các điện, đài, năm 1815, Gia Long đã cho dựng lại một lần nữa ngôi chùa Thiên Mụ, dựng lại trên đúng các nền cũ từ thời Nguyễn Phúc Chu năm 1714. Và cũng từ đợt xây lại chùa năm 1815 này, Gia Long đã cho đúc thêm một quả chuông, và tiếng chuông chùa ngày nay, cũng chính là tiếng chuông chùa đã vang lên từ năm 1815 đó.

Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, năm 1844 ông đã cho xây tháp Phước Duyên , và sửa chữa chùa Thiên Mụ rất nhiều. Thực ra, ý tưởng xây tháp là của vua Minh Mạng - một ông vua đã cho xây dựng lên rất nhiều công trình kiến trúc vừa vĩ đại, vừa mỹ thuật trong thời kỳ ông ta trị vì. Tuy nhiên, ông ta không kịp thực hiện việc xây tháp Phước Duyên, thì đã mất.

Tự Đức lên ngôi lâu mà chưa có con, ông ta cho rằng đó là do ... trời phạt mình, nên ra lệnh cấm, không được phạm vào mấy chữ Thiên, Địa (năm 1862), vì thế, từ năm ấy, chùa được gọi là Linh Mụ, tuy nhiên sau một thời gian, vua vẫn không có con, nên trong dân chúng, người ta lại gọi chùa là Thiên Mụ, và từ đó đến nay, chùa có hai cái tên vậy.

Năm Thành Thái thứ 16 - 1904 - một trận bão rất lớn đi ngang Kinh thành Huế đã làm hư, sụp một số công trình trong khuôn viên chùa, nhưng mãi 2 năm sau, vua Thành Thái mới lệnh tu sửa chùa, và thực tế là đến năm 1907 chùa mới được thực sự tu sửa.
Năm 1908, tháp Phước Duyên bị hư hại do sét đánh, nên có được tu bổ lại.
Suốt thời kỳ các triều Khải Định, Bảo Đại, chùa không được tu sửa, trở nên hoang phế, nhưng vẫn có tăng chúng ở chùa.
Năm 1947, quân Pháp chiếm đóng chùa Thiên Mụ một thời gian, chúng đã phá cửa chùa, chẻ tạng Kinh khắc trên gỗ để dùng làm củi đốt.
Năm 1958, chùa được đại trùng tu, do Viện Bảo tồn cổ tích thời đó thực hiện. Tuy những người làm công tác bảo tồn hồi 1958 đã hết sức cố gắng phục dựng lại để giữ vẻ cổ kính của ngôi chùa, nhưng vì nhiều điều kiện khách quan, người ta vẫn phải dùng nhiều xi măng cốt thép thay cho gỗ.
__________________
Gác kiếm

thay đổi nội dung bởi: tunbo, 29-08-2009 lúc 08:49 PM Lý do: Lỗi chính tả
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 7 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
1stLady (13-07-2009), cuabien (01-09-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (18-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009), wonghong (13-07-2009)
  #5  
Cũ 13-07-2009, 12:14 AM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Hiện tại, mặt trước của ngọn đồi Hà Khê đã được sửa sang lại thành các bâc, có kè đá vững chắc, con đường trải nhựa phía trước (mới có từ năm 1958) lượn vòng, ôm lấy một phần tư quả đồi, dòng sông Hương ăn sát vào chân đồi. Ba mặt khuôn viên chùa có xây tường cao hơn 2met như một vòng la thành.


Mặt trước chùa, sườn đồi đã được làm thành các bậc cấp




Vòng la thành ba mặt chùa, trên lưng chừng đồi


Nước sông Hương ăn đến sát chân đồi
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 10 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
1stLady (13-07-2009), DRAGON76 (13-07-2009), Tuanrocker (13-07-2009), cd50benly (13-07-2009), cuabien (01-09-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (18-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009), wonghong (13-07-2009)
  #6  
Cũ 13-07-2009, 08:56 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Từ mặt đường nhựa đi lên qua 5 bậc, đến một "chiếu nghỉ", ở đó người ta dựng 4 cột trụ biểu. Một số nhà nghiên cứu về Huế cho rằng những trụ biểu này được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau, cụ thể là hai trụ ngoài được xây ở thời Thiệu Trị, hai trụ giữ được xây sau (nhưng chưa tìm được tài liệu nào nói cụ thể thời gian xây các trụ biểu). Người ta đặt gia giả thuyết đó, vì :

Câu đối ở hai trụ ngoài nét chữ to và sắc sảo hơn, lại có 2 tấm biển bằng đồng nhỏ, mỗi tấm khắc hai chữ "Ngự chế" đóng ở trên 2 câu đối. Ở vào thời phong kiến, cái gì của vua cũng phải được đặt ở nơi trang trọng nhất, vì thế, nếu cả 4 trụ xây cùng thời gian, chắc chắc hai câu đối "Ngự chế" của vua phải được đặt ở 2 trụ giữa.

4 vế đối ở 2 trụ biểu ngoài, là của chính vua Thiệu Trị. Hai câu đối ở phía ngoài của 2 trụ (Hán tự) :

Tinh thổ phạn cung, phật nhật tăng huy vu tứ đại
Ma không bửu tháp, pháp luân thường chuyển vu tam thiên


(Nghĩa :
Từ cõi trời tịnh độ, ánh sáng của Phật chiếu sáng mãi khắp bốn cõi lớn
Tháp quý vút lên không, bánh xe Pháp luôn luôn chuyển trong ba nghìn thế giới)

Hai câu đối ở mặt phía trong 2 trụ này là :

Khai phá bồ đề tâm nhi hóa thông vạn loại
Hoằng thi phương tiện lực dĩ giác ngộ quần sinh


(Nghĩa :
Mở rộng tâm bồ đề mà vạn loại chúng sinh đều được giáo hóa thông minh
Rộng đem sức mạnh của phương tiện để dạy dỗ cho muôn loài biết đạo)


Qua khỏi "chiếu nghỉ" có 4 trụ biểu, leo tiếp 14 bậc cấp nữa là đến phần sân ngoài của chùa. Ta thấy đầu tiên ở sân này là một nền vuông, cao chừng nửa met nằm ở giữa sân, nền cỏ mọc xanh non, ngay trước tháp Phước Duyên. Đó là dấu tích nguyên vẹn cái nền của Hương Nguyện đình. Đây là kiến trúc được xây dựng năm 1844 đến 1845 (cùng trong khoảng thời gian tháp Phước Duyên được xây dựng - thời vua Thiệu Trị) - hình như cơn bão năm 1904 đã làm sụp tòa đình này. Đây vốn là chỗ nghỉ mát của vuakhi đến ngắm cảnh chùa, cũng là nơi vua tĩnh tâm trước khi hành lễ ở chùa. Hiên tại, phía sau nền đình, trước tháp có 2 cây hoa sứ cổ, thường nở hoa rất nhiều vào dịp Phật đản hàng năm.


Dấu tích còn nguyên vẹn nền của Hương Nguyện đình
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 6 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
Tuanrocker (20-07-2009), cuabien (01-09-2009), hikari (23-07-2009), mobinam (13-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009)
  #7  
Cũ 13-07-2009, 09:21 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Từ ngoài nhìn vào, hai bên nền cũ của Hương Nguyện đình là lỗi đi vào chùa, ở hai bên của hai lối đi này có 4 kiến trúc nhỏ, gồm 2 nhà vuông phía trước, hai nhà lục giác phía sau. Đây chính là 2 Bi đình (nhà bia) của vua Thiệu Trị - phía trước, nhà vuông - và 2 nhà lục giác của chúa Nguyễn.

Bi đình của vua Thiệu Trị phía tay phải (từ ngoài nhìn vào) chứa bia đá nói về việc dựng tháp Phước Duyên, thường gọi là Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi.


Bi đình của vua Thiệu Trị, chứa Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi

Bi đình phía tay trái, chứa bia đá khắc 8 bài thơ của vua Thiệu Trị làm vào những lúc thăm viếng hoặc vịnh cảnh chùa. (Vua Thiệu Trị tự xếp hạng có 20 thắng cảnh ở chốn Kinh thành, trong đó Chùa Thiên Mụ được ông đặt ở vị trí thứ 14)


Bi đình của vua Thiệu Trị chứa bia đá khắc thơ vịnh cảnh chùa của nhà vua.
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 7 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
Tuanrocker (20-07-2009), cuabien (01-09-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (18-07-2009), mobinam (13-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009)
  #8  
Cũ 14-07-2009, 12:12 AM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Sau hai Bi đình của vua Thiệu Trị, gần như ngang hàng với tháp Phước Duyên, là hai tòa nhà lục giác, được xây dựng trước hai Bi đình 31 năm, đươi thời vua Gia Long.

Tòa nhà lục giác bên phải (theo hướng từ ngoài đi vào) chứa một tấm bia đá rất lớn của chúa Nguyễn Phúc Chu, nói về việc xây dựng chùa Thiên Mụ vào năm 1714. Bia là một khối đá cẩm thạch màu đen, dựng trên lưng một con rùa đá, con rùa lại nằm trên một bệ đá được chạm thành hình cái kỷ có 4 chân quỳ. Rùa và bệ được tạc từ nguyên một khối đá cẩm thạch trắng rất lớn (Không hiểu ngày xưa cổ nhân làm thế nào. Chắc làm xong nền nhà, chuyển khối đá gồm bệ và rùa vào, lắp tấm bia lên lưng rùa, rồi mới tiếp tục xây dựng phần trên của Bi đình). Tấm bia đến nay đã trải gần tròn 300 năm - được gọi là Trùng kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự bi. Lời văn khắc trên bia do chúa Nguyễn Phúc Chu thảo ra, nói về việc tu sửa, làm mới chùa Thiên Mụ năm 1714, và miêu tả khung cảnh tuyệt vời của chùa, trong đó có đoạn (dịch) :

Từ cửa núi đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng. Đại Hùng Bảo Điện, nhà thuyết pháp, lầu Tàng Kinh. Hai bên là lầu Chuông và lầu Trống, rồi điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà ăn, nhà tọa thiền; rồi điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà ở của chư tăng, nhà trọ cho khách, không dưới vài mươi sở. Bên sau là vười Tì Da, trong vườn có nhà Phương trượng và các chỗ cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi. Thật là một tòa Quang Minh trong thế giới đầy sắc vàng rực vậy
...
thường ngày ngắm cảnh, bước lên đến lầu kinh, bỗng nhiên thấy tâm hồn thư thái rộng mở. Dựa vào lan can lầu để phóng mắt nhìn. Về phương Đông, mặt trời lơ lửng giữa không trung, rọi chiếu cho muôn loài sinh sống; về phương Nam, những đỉnh núi cao đẹp trùng trùng kéo dài cả ngàn dặm, trên đầu đỉnh núi lặng treo thảm mây trắng không cùng tận, cảnh nhiều màu không tả xiết, bao vẻ đẹp ấy nói lên thời văn minh thịnh trị; phương Tây thì có tùng xanh liễu biếc, lá ngăn như cái bình phong che chở cửa thiền; phương Bắc thì nhìn về vùng chính phủ đóng dinh, trong tre xanh đẹp ẩn hiện thấp thoáng những vườn cây xanh tốt của vạn nhà; gió nhẹ thoang thoảng đong đưa trước muôn ngàn cửa ngõ. Cảnh đẹp trước mắt, họa sĩ khó lòng vẽ được ...


(Hà Xuân Liêm - Chùa Thiên Mụ - NXB Thuận Hóa)

Tiếc là mấy tấm ảnh chụp Rùa cõng bia hỏng hết, sau này sẽ bổ sung lại sau


Tòa nhà lục giác bên trái có treo bên trong một cái chuông đồng rất lớn, gọi là Đại Hồng Chung của chúa Nguyễn. Chuông cao tới gần 2,5m, nặng hơn 2 tấn (3.825 cân xưa). Các hoa văn cùng nghệ thuật đúc đồng thời chúa Nguyên Phúc Chu để lại, tinh xảo và vượt xa so với các chuông đồng những đời sau ông còn để lại.
Cùng với bia và rùa đá, Đại Hồng Chung - cũng có tuổi gần tròn 300 năm - là hai trong số các bảo vật của chùa Thiên Mụ.


Đại Hồng Chung của chúa Nguyễn, đặt trong nhà lục giác, tuổi thọ đến nay đã 295 năm.
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 9 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
DRAGON76 (14-07-2009), Tuanrocker (20-07-2009), cuabien (01-09-2009), funny_bro (25-07-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (18-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009), wonghong (14-07-2009)
  #9  
Cũ 18-07-2009, 09:45 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 1 : Chùa Thiên Mụ

Gần như nằm ngang hàng với hai tòa nhà lục giác chứa bia rùa đá và Đại Hồng Chung thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, là tòa bảo tháp Phước Duyên. Mặc dù có sau bia và chuông của chúa Nguyễn Phúc Chu khá lâu (135 năm), nhưng tháp Phước Duyên vẫn có một vị trí đặc biệt trong kiến trúc và lịch sử của chùa Thiên Mụ. Trong dân gian Thuận Hóa sau này, cũng ít người để ý biết tháp có từ bao giờ, thậm chí người ta cũng dần dần quen gọi là tháp Thiên Mụ. Có cả những câu chuyện truyền khẩu mang tính dân gian, nói rằng tháp được xây dựng từ thời Gia Long, và để thờ cái vỏ trấu to bằng cái nón !!!

Thực sự, tháp được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1844, xong vào năm 1845, nhưng ý tưởng xây tháp để trấn cho Kinh thành, là của cha ông ta - vua Minh Mạng. Ban đầu, bảo tháp được gọi là Từ Nhân tháp, nhưng khi làm xong, vua Thiệu Trị lại đổi thành Phước Duyên bửu tháp.
Mặc dù trong văn bia Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi, vua Thiệu Trị có nói việc xây tháp là để "mở rộng duyên lành, phát nguồn ơn trạch khắp mọi chốn"; "tháp cao thì đạo càng cao, phước rộng thì duyên thêm rộng" - lời dịch từ văn bia (Chùa Thiên Mụ - NXB Thuận Hóa), nhưng thực tế lại chỉ ra rằng, việc xây tháp lại không chủ ý về việc quảng bá đạo Phật. Vua Minh Mạng có ý xây bảo tháp tại quốc tự (chùa Thiên Mụ) là để trấn yểm cho Kinh thành, còn bản thân vua Thiệu Trị lại không phải người tin đạo Phật, như chính ông từng thừa nhận :"Ta vốn chẳng phải kẻ sùng đạo, chỉ vì sửng nguyện của dân nên cho lập chùa mà thôi" - lời trong thơ Ngự chế ở bia chùa Diệu Đế - Huế.

Tháp Phước Duyên xây trên một cái nền hình bát giác, tầng dưới lớn, tầng trên thu nhỏ dần. Toàn thân tháp cao khoảng 21m (theo văn bia : tháp cao 5 trượng 3 thước 2 tấc xưa)


Tháp Phước Duyên

Từ khi được xây dựng đến náy, tháp được trùng tu nhiều lần.
- Năm 1867 (Tự Đức thứ 20) trùng tu lần đầu
- Năm 1899 (Thành Thái thứ 11) trùng tu. Hiện còn tấm bia nhỏ ghi lại việc trùng tu này, đặt ngay sau lưng tháp.
- Năm 1908 (Duy Tân thứ 2), tháp bị sét đánh, có tu bổ lại
- Năm 1959 tháp được đại trùng tu.

Tầng dưới cùng của tháp thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, tầng thứ hai thờ đức Ca Diếp Phật, tầng thứ 3 thờ đức Câu Xá Na Mâu Ni Phật, tầng thứ 4 thờ đức Câu Lưu Tôn Phật, tầng thứ 5 thờ đức Tì Xá Phù Phật (một trong bảy đức Phật của thời quá khứ), tầng thứ 6 thờ đức Thi Khí Phật, tầng thứ 7, trên cùng, thờ đức Tỳ Bà Thi Phật.
Tương truyền rằng, những pho tượng Phật ở tầng trên cùng được đúc bằng vàng ròng, các đồ cúng lễ đều đúc bằng bạc nén. Vì thế, tầng trên cùng này có một cái khóa riêng, ngày xưa, chìa khóa vào tháp và chìa khóa lên tầng trên cùng do bộ Lễ cất giữ. Khi có việc cần vào tháp, phải có lệnh của Ngự tiền văn phòng trong triều đình, bộ lễ mang bộ chìa khóa tới, cùng với vị tăng lữ chức sắc của chùa Thiên Mụ cùng mở của vào tháp. Những việc ấy là để đề phòng sự mất mát với các bảo vật trong tháp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến 1942, vẫn xảy ra vụ mất cắp tượng Phật bằng vàng ròng tại đây. Điều lạ là, tượng Phật bị mất chính xác vào thời điểm nào, không ai biết được, vì cửa dưới của tháp vẫn nguyên vẹn, chỉ khi người ta phát hiện cửa tầng tháp trên cùng bị mở toang (cũng không ai biết nó bị mở từ khi nào, vì nó nhỏ, lại ở trên cao tít), người ta mới mở cửa tháp lên kiểm tra và phát hiện tượng vàng đã mất rồi - theo sách cũ "Ba trăm năm thăng trầm của chùa Thiên Mụ" . Triều đình Bảo Đại khi đó không thể tìm ra thủ phạm.
Các pho tượng còn lại trong tháp đều là tượng đồng, nhưng nhà chùa muốn bảo tồn giá trị lịch sử gần 300 năm của các pho tượng này, nên đã cho đúc các pho tượng bằng thạch cao - theo đúng khuôn dạng của các pho tượng đồng - rồi mạ đồng bên ngoài, để đặt tại tháp, còn các pho tượng cổ đựa đưa vào thờ bên trong điện Bảo Hùng ở trong chùa (việc di chuyển này tiến hành năm 1984)


Tháp Phước Duyên, nhìn từ lối vào chùa bên tay trái.

Ngay sau lưng tháp Phước Duyên, trước cửa chính của Nghi Môn (cổng vào chùa) có một tấm bia đá, đó là bia của vua Khải Định dựng vào năm 1919 (năm Khải Định thứ 4), nói sơ lược về chùa Thiên Mụ.


Văn bia của vua Khải Định sau lưng tháp, trước Nghi Môn
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 8 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
Tuanrocker (20-07-2009), cuabien (01-09-2009), funny_bro (25-07-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (18-07-2009), mobinam (18-07-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009)
  #10  
Cũ 18-07-2009, 11:03 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định

Chùa Thiên Mụ được chia làm hai phần khá rõ rệt. Phần ngoài gồm các bi đình, chuông đồng của chúa Nguyễn, của vu Thiệu Trị, và (dấu tích nền) Hương Nguyện đình, tháp Phước Duyên. Phần trong là các kiến trúc bên trong của Nghi Môn.
Nghi Môn chính là ranh giới của hai phần trong và ngoài. Có một dãy tường thành nằm ngang Nghi Môn, kéo ra tận đến vòng La thành, như một lằn ranh phân chia hai khu vực của chùa.


Nghi Môn

Nghi Môn có 3 gian, gian giữa có cơi lầu bên trên. Hai bên vách tường mỗi gian đều có đắp tượng các vị Kim Cang Hộ Pháp rất lớn, qua các pho tượng là cửa vào bên trong sân chùa. Ở gian giữa, nhìn từ bên ngoài vào, phía trái có một cái thang gỗ lim để lên lầu.


Gian giữa của Nghi Môn có cơi lầu bên trên(từ sân trong của chùa nhìn ra)


Tượng Kim Cang Hộ Pháp hai bên vách tường, chiếc thang gỗ lim lên lầu.

Bên trên cửa chính của Nghi Môn có tấm biển gỗ lớn đề ba chữ (Hán tự) Linh Mụ tự rất lớn. Nghi Môn được xây dựng từ năm 1815 - khi Gia Long làm lại chùa Thiên Mụ - nhưng tấm biển gỗ khắc tên chùa nói trên, lại được lưu truyền rằng, tận thời Tự Đức(1847 - 1883) mới có, dù sao, nó cũng đã trên 100 năm tuổi.


Tấm biển tên chùa - theo truyền thuyết là được làm từ thời Tự Đức.
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 8 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
Tuanrocker (20-07-2009), cuabien (01-09-2009), funny_bro (25-07-2009), hikari (23-07-2009), hung_cattuong (23-07-2009), mobinam (05-08-2009), roadmaster (18-07-2009), simba (05-09-2009)
Trả lời


Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách)
 

Quuyền Hạn Của Bạn
Bạnkhông thể tạo chủ đề
Bạn không thể gửi Trả lời
Bạn không thể gửi Đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của bạn

BB code thì Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:38 PM.


Powered by: vBulletin v3.x.x Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.