XE MÁY BÙNG NỔ Ở VIỆT NAM
Kính các pác!
Ae chúng ta chơi xe thường chỉ quan tâm tới phong cách, kiểu dáng, thông số kỷ thuật, độ chế... và để cuối cùng là chinh phục những nẻo đường. Bài viết dưới đây hy vọng sẽ cung cấp thêm một cái nhìn bao quát hơn về thị trường xe máy ở Việt Nam để anh em tham khảo:
Xe máy và xe máy!
Ở đất Sài Thành và Hà Thành, người ta nói rằng không còn khái niệm giờ cao điểm. Những con phố nhỏ oằn mình với xe và xe. Năm 2007, hơn 3 triệu chiếc xe máy mới được đưa vào lưu thông ở Việt Nam, trong khi đó số xe máy bị hủy chưa bao giờ có con số thống kê chính thức, chỉ biết rằng nó rất nhỏ, khi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc cub 50, 70 cũ nát lăn bánh ở ngoại ô Sài Gòn. Năm nay, những người bi quan nhất cũng không thể dự đoán tỷ lệ tăng trưởng dưới 15% cho ngành kinh doanh gắn liền với người Nhật Bản này.
2007 là một năm điên rồ. Tiền mất giá từng ngày và những người bi quan nói rằng lạm phát thực phải đạt tới con số vài chục phần trăm chứ không phải chừng 13% như thống kê chính thức. Chứng khoán lên tới mức đỉnh của sự vô lý, VN index đạt ngưỡng cao nhất 1170 điểm, và mất hơn 50% giá trị tính tới giữa 3/2008. Vào lúc đỉnh điểm đó, điển hình của sự vô lý là người Việt Nam đánh giá chứng khoán FPT cao hơn cả chứng khoán của các đại gia công nghệ thông tin thế giới như Microsoft theo những so sánh điển hình nhất, dù cơ cấu thu nhập cho thấy đi buôn mới là nguồn chính của FPT. Giá bất động sản tăng gấp 2-3 lần trong khoảng thời gian cuối năm, các ngân hàng đua nhau cho vay mua chứng khoán và bất động sản, để bây giờ có người đã nói tới cụm từ “khủng hoảng tài chính”. Bi quan bao trùm vào thời điểm cuối năm 2007, và còn kéo dài. Không hề gì. Có những lúc, các công ty xe máy không có đủ hàng cung cấp cho người Việt!
Đừng nghe Philip Kotler khuyên định vị Việt Nam như nhà bếp của thế giới. Hãy có đầu óc phê phán một chút, ông ấy biết rất ít về Việt Nam khi được Pace trả tiền tới diễn thuyết. Joking, sao bạn không định vị chúng ta là quốc gia của xe gắn máy nhỉ?
Ngành kinh doanh béo bở.
Năm nay, Yamaha công bố với các cửa hàng ủy nhiệm (YES) của mình kế hoạch bán 1 triệu xe, tăng gần 100% so với 2007! Công suất của Honda sẽ đạt khoảng 1,5 triệu, tăng gần 50%. Năm 2008, Vespa sẽ được sản xuất ở Vĩnh Phúc bởi Piaggio Việt Nam. Các nỗ lực bán hàng và tăng trưởng cũng được ghi nhận từ SYM, Kimco, Tiến Lộc hay T&T. Ngoại trừ Suzuki. Người Nhật, trong một chương trình hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp xe máy Việt Nam với các cơ quan cấp bộ, đã vẽ ra một tương lai tới 2020 rằng chúng ta sẽ (phải) đạt mức bình quân xe máy đầu người ngang với Thái Lan hiện tại, tức ở mức gần 3 người/1xe. Cả một guồng máy đã hoạt động từ lâu để đạt được mục tiêu đó. Để bây giờ, xe máy là một trong những ngành có mức lợi nhuận cao nhất, sau dầu khí, ngân hàng tài chính và viễn thông, vốn mang nặng tính độc quyền và chủ yếu nằm trong tay nhà nước. Những công ty có mức lợi nhuận thuộc loại top của bản “Fortune 500 Việt Nam” có tên Honda và Yamaha, vượt trên những Unilever, Vinamilk, BAT – Vinataba hay Cocacola!
2007 và 2008
2007 đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành xe máy. Lần đầu tiên kể từ đầu những năm 2000, cuộc chiến với xe lắp ráp rẻ tiền (chúng ta thường gọi là xe TQ) có phần thắng nghiêng về xe máy có thương hiệu. Dù vẫn chiếm khoảng 1/3 volumn thị trường, xe Trung Quốc sẽ giảm xuống rất nhanh, có lẽ sẽ kết thúc vai trò lịch sử trong một vài năm nữa, khi đời sống nông thôn khá hơn và hệ thống phân phối của loại xe này đang sống mòn, hay chết dần, tùy cách diễn đạt của bạn, hệt như của Suzuki. Năm 2007 cũng chứng kiến Honda vươn lên dẫn đầu ở tất cả các phân khúc: xe số, xe tay ga và cả xe nhập khẩu, còn Yamaha tiếp tục củng cố vị trí challenger khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành nhờ có mức base thấp hơn đối thủ chính của nó.
Năm 2007 cũng chứng kiến sự bùng nổ của xe tay ga. Ở TP HCM lúc đó, cứ 10 chiếc xe đăng ký mới thì có 6 xe tay ga. Tháng 4/2007, Air Blade được launched và ngay lập tức tạo ra một cơn sốt phả hơi nóng suốt mùa hè ở miền Nam, kéo qua gần 40 ngày giá buốt của mùa đông miền Bắc, và tới tận bây giờ vẫn chưa hết sốt, hệt như Wave Alpha ngày nào, dù Honda đã điều chỉnh sản lượng thông qua báo cáo bán hàng mỗi tháng một tăng kể từ khi đó. Đây là 2 chiếc xe gợi nên điểm rất quan trọng trong Marketing: một brand đứng thứ 19 thế giới như Honda, có đầy đủ trong tay hệ thống thông tin và công cụ phân tích thị trường vẫn có thể sai trong ước lượng cầu và định giá. Có điều, Air Blade có thể không có cơ hội tăng giá như Wave Alpha khi xưa độc chiếm thị trường, vì Nouvo 135 cc, làm mát bằng liquid sẽ được giới thiệu trong tháng 4 tới. Một sản phẩm khác cũng đạt thành công không nhỏ năm ngoái là Elizabeth của SYM. Dù không tạo cơn sốt kéo dài như Air Blade, Elizabeth, trung thành với định vị dành cho nữ giới một cách duyên dáng, cùng với Victoria, đã có lúc giúp Attila thành nhãn bán chạy nhất dòng xe tay ga, đồng thời giúp SYM không thụt lùi thêm trong hệ thống phân phối như anh bạn Suzuki (ở ngành xe máy, một sản phẩm mới mạnh có ý nghĩa khá nhiều với các công ty đẻ ra nó về nhiều mặt, trong đó tác dụng khích lệ hệ thống phân phối rất quan trọng). Điều tương tự xảy ra ở các công ty nhỏ hơn như Kymco, Tiến Lộc khi tập trung vào xe tay ga và một phần phát triển kênh bán hàng nhờ vào mức lợi nhuận/ đầu xe khá hấp dẫn dành cho các cửa hàng. Cho tới cuối 2007, con số tiêu thụ 11,000-14,000 xe ga/1tháng của 2006 đã được người Việt đẩy lên hơn 3 lần, và sẽ còn tăng...
2008 sẽ khiến nhiều kẻ đau tim vì lạm phát, vì chứng khoán, hay vì sự nóng lạnh thất thường của bất động sản. Ngoại trừ các hãng xe máy. Hệ thống phân phối vẫn đang phát triển. Hỗ trợ cho chúng là thói quen mua trả góp đồ tiêu dùng lâu bền giống các nước láng giềng Đông Nam Á bắt đầu được khơi gợi cho người Việt. Guồng quay của Research, Development, Launching. .. đang tiếp tục, và tiền vẫn chảy về Nhật Bản, rất nhiều. Trước mắt, 2 đời xe máy mới sắp khai sinh: Chào đón các bạn đến với upcoming launching events hoành tráng của Honda và Yamaha....
(trích từ Product)
__________________
Sống có bao lâu, vui vui, buồn buồn...
|