Re: Tour bên lề đám nói ( Vĩnh Long, Trà Vinh,Bến Tre, Mỹ Tho)
Hồi 5: Con đường tơ lụa: Vĩnh Long-Trà Vinh-Bến Tre-Tiền Giang-Long An-Sì Ghềnh
6h sáng cả đám đã lục tục thức giấc, Công nhận đi chơi hổng làm gì là liều doping hữu hiệu thật. Dù hổm qua ngủ rất trễ nhưng thức dậy là ai ai cũng thấy khỏe khoắn. Còn ai mừ không thấy khỏe là, vì, tại, bị… thì gáng mà chịu, mặc dù tui cũng mún hổng khỏe lém, hì hì. Riêng phòng 1 và 2 nhỏ xíu có tới 5 nhân mạng mỗi phòng, nằm chen chúc như cá mòi, cá hộp. Thế nhưng hổng phải là dậy ngay mừ còn qua công đoạn sơ chế đến trở qua trở lại cho nó chín vàng đều mới chịu thoát khỏi cái chảo nệm êm ái đầy cám dỗ.
Dạo qua 1 vòng để thực địa cả lũ giật mình thon thót với chiến tích còn sót lại của cuộc nhậu tàn canh là 1 thùng bia cạn sạch và số nhiều vỏ bao khô bò lăn lóc. Một cuộc điều tra bỏ túi cấp kỳ được thực hiện và kết quả là bốn con ma ún bia nhai xương người, í hiểu nhầm, nhai khô bò được điểm mặt là Tuấn Roke, Trắng –Đen thui, 1 em nữa, và kiều nữ Thanh Thanh. Pái phục pái phục nhen, nghe đâu đại gia Lemoto có mặt nhưng đã lẳng lặng chuồn êm. Bi tui cũng hơi tiếc, đêm qua cũng mún nhập băng ma..men, dưng mừ buổi ngày chơi lút cán, hôm qua lại thiếu ngủ nên sợ đường dài hổng đặng nên phải cố mà kềm lòng.
Sau các công đoạn đánh găng gửa mặt, ăn sáng, bla bla bla…Cả bọn lại sẵn sàng.
Lần này, lại có 2 nhân chia tay, là vợ chồng bác Phát, nhưng chỉ là tạm thời, bởi dự kiến sẽ hẹn nhau ở Mỹ Tho.
8h Bác Danh dẫn đầu, thì là đất của bác í mà lị, con chiến mã màu bạc khỏe khoắn vượt lên phía trước, mang trên lưng người tráng sĩ hào sảng, cả bọn ùn ùn kéo theo sau, địa điểm tính trước là thành trẻ Trà Vinh.
Điểm dừng đầu tiên là lăng ông Thống Chế Điều Bát.
Cả nhóm phi vào, ầm ầm trong trật tự, Thì cũng còn gần 20 cục sắt chứ ít gì, phá tan cái khung cảnh vốn thanh tịnh, may mà trật tự đấy, hè hè.
Toàn lăng ở trên khu đất trống trải, Khu miếu thờ có ba ngôi: chính điện, võ ca và nhà khách. Tất cả các công trình kiến trúc đều làm bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách gạch. Trong miếu thờ vợ chồng Thống Chế Điều Bát và các danh nhân như Tả Quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Bình Tây Phó tướng Nguyễn An (Phó tướng của Trương Định, sau khi thất bại ở Gò Công, trở về tiếp tục nổi dậy và hi sinh Tại Trà Ôn)và Anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn được nhà Nguyễn phong Trung đẳng Thần vào năm 1944. Ông tên thật là Thạch Duồng. Vì ông hết lòng tận trung và có công với nhà Nguyễn nên được vua ban “quốc tính” - được cải sang họ vua. Công đức của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng.
Phần mộ Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn và phu nhân làm theo kiểu song hồn, nằm phía sau lăng. Xung quanh mộ có tường hoa, có bình phong, trụ liễu,... trang trí hình lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng hầu. Trên rặng liễu có câu đối ngắn đã thể hiện được đức độ người đã mất:
Hoa di cộng ngưỡng
Mân Quảng đồng tri ân
(Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ
Người Phúc Kiến, người Quảng Đông đều nhớ ơn).
Cụ thủ từ mở cửa cho cả đoàn vào thắp hương, nghe bác Danh bảo là đền linh thiêng lắm, cầu gì được nấy, nên ace vào khá đông, riêng Bi và một số người nữa ngồi ở ngoài, do Bi nhận thấy mình ăn mặc giống chiến đấu quá, vô sợ làm huen ố chốn linh thiêng. Máy chớp hình lại có cơ hội nháy lia lịa.
Tiếp tục cuộc hành trình, bác Danh dặn đoàn chạy chậm và đúng luật bởi vì mí ảnh ở đây thích giao lưu lắm lắm.
Đúng là thổ địa có khác, sau câu dặn một lúc, đã hiện ra mấy bóng áo vàng thân thương, đoàn CD vẫn chạy đều đều, tốc độ chậm và tuân thủ nghiêm ngặt ATGT, nên dù có muốn làm gì cũng hổng được, mà hôm nay mí ảnh thấy vui quá tính canh me chúng em, chắc là để lụm nắp xăng hay sao í mà cái đoạn đường quê tưởng chừng vắng vẻ ấy có đến 5 sáu chặng gặp mí ảnh, có chặng chỉ cách nhau 1km, có cả hai xe thùng rộng rãi mở cửa một cách thân thiện chờ cơ hội giao lưu với CD. Hú hồn. Thấy đường vắng và đẹp, ae tính bơm à.
Cũng vì bị mấy ảnh hù mà dù đường khá tốt nhưng đoạn này anh em chạy hơi chậm, nhưng hóa ra thế mà lại hay, mọi người được dịp thưởng ngoạn cảnh đồng quê 2 bên đường. Mà Bi tui hơi thắc mắc là mùa này là vụ gì mà có đoạn thì mạ non xanh ngắt, đoạn thì lúa chín trĩu hạt, đoạn thì phơi lúa tràn đường. Những đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp, xa xa làm nền xanh là những hàng dừa cao vời vợi, thi thoảng có vài nếp nhà ẩn hiện, điểm thêm cho khung cảnh sống động là vài người nông dân đang gặt lúa thoăn thuắt trong cái nắng vàng ban mai, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chỉ ngước lên nhìn đám xe ù ù đi ngang qua, nụ cười hiền lành chất phác. Cứ thế xe qua những ruộng lúa vàng ươm nối nhau liên tiếp, chen lẫn là vườn cây ăn trái đang độ trổ hoa hứa hẹn vụ mùa bội thu. Không khí trong và thơm lẫn mùi bùn đất, rơm rạ vương vãi hai bên đường. Làn khói nhẹ từ đụn rơm cháy vẽ lên bức tranh đồng quê một cảm giác bồi hồi khó tả. Yên bình và trù phú. Không biết bao nhiêu lần Bi đã đi qua những khung cảnh như thế này, vậy mà cảm giác háo hức vẫn còn y nguyên như lúc ban đầu. Có 1 đoạn là hàng cau đều thẳng tắp, làm Bi lại nhớ quê, nhớ hàng cau trước ngõ nhà nội ngày ấu thơ. Quê Bi ở miền Trung cháy nắng, cây hay con gì lớn lên cũng èo uột, nên bà con vất vả mà vẫn nghèo hoài. Đất miền Nam màu mỡ tốt tươi, nuôi trồng thứ gì cũng lớn nhanh như thổi, giá mà miền Trung cũng được đôi phần. Ơi quê mẹ ơi, bao năm rồi đứa con tha phương chưa về thăm được…
Bao cảm xúc dâng trào như níu chân những lữ khách miền xa, ước ao với lòng mình rằng sẽ đi cho hết những miền đất của Tổ Quốc…
Đường hai bên có nơi rộng rãi, có chỗ hẹp, qua nhiều cây cầu gỗ với các xe ô tô lớn chắc là hơi ọp ẹp. Đoàn xe tới đâu đều thu hút sự chú ý của người dân sống ở 2 bên đường, cái đoạn qua chợ Vĩnh Xuân, Bi tui thấy bà con rất đông đều nhìn có vẻ hâm mộ, hay là tò mò quá thể. Thì rình rang quá mà, ầm ĩ quá mà.
Ngưng một chút, nhắc chuyện bên lề: nghiêm khắc phê bình bà con nơi đây nhá, đó là cảnh phơi luá chiếm dụng mặt đường giao thông khá nhiều, có đoạn lúa tràn nửa lòng đường, cái này dễ gây tai nạn lắm nhé. Huyện xã đâu, nhắc nhở bà con chứ.
Địa danh đều nghe rất lạ, Trà Ôn, Trà Nóc, Trà Vinh… dựa theo cách gọi của người Khơ me vốn sống rất nhiều ở đây. Chả thế mà có rất nhiều chùa Khơ me dọc đường đi, và đều rất lớn và hoành tráng.
Đoàn đã đến Trà Vinh, thật tình thì ấn tượng nhất của Bi là Chùa của người Khơ me nhiều thôi, mà theo thống kê số lượng đã lên tới trên 140 chùa, chời ơi... đi 1 đọan là thấy chùa, chùa liên tiếp...
Cả đòan bo cua theo vòng xe của người dẫn đường mẫn cán qua thị trấn Cầu Kè đến Ao Bà Om.
Theo truyền thuyết kể lại, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm phái nam và nữ đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia. Bên phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm. Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om.
Hàng năm, cứ đến ngày lễ Ok Om Bok, bà con Khmer gần xa kéo nhau ra tổ chức cúng trăng, vui chơi, múa Rom Voong, thả đèn gió,... hay vào dịp đón năm mới Chol Chnam Thmây, Dolta hàng ngàn người Kinh - Khmer hội tụ về đây sinh hoạt vui chơi, giải trí tô điểm cho nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa vùng Khmer Nam bộ.
Trước đây Bi đã có biết về truyền thuyết này nên càng háo hức, và dù đã qua Trà Vinh đôi lần, nhưng vẫn chưa có dịp dừng lại ghé thăm.
Xe vừa leo lên dốc đất thì một khung cảnh kỳ thú hiện ra với cái ao lớn trong và phẳng lặng, bao quanh là những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ sừng sững, qua bao năm tháng mưa dầm đất lở, hàng rễ cây khổng lồ trồi lên tạo thành những hình thù kỳ lạ, rễ lớn đến mức nhiều người ngồi lên cũng còn rộng rãi. Gió từ mặt hồ thổi vào mát rượi, sóng nhẹ lăn tăn không giấu được cái đớp nước của lũ cá lòng tong. Đang trái mùa hoa nở, chỉ có vài lá sen già trẻ mọc xen lẫn với cỏ nước, điểm thêm li ti bông vàng của lớp rong đuôi chồn lộ ra rõ dưới lớp nước trong như gương. Cả bọn dựng xe lại, hít vào một hơi đầy căng phổi, nghe như luồng khí trong lành rần rật chạy dọc khí quản, mọi mệt nhọc tựa như tan biến. Không gian bao la làm cho tiếng cười đùa của lũ người mới đến như tan theo làn gío thỏang.
Món khóai khẩu ờ đây chủ yếu là đá bào và kem cây, bình thường Bi tui chả bao giờ đụng đến, nhưng, chậc chậc, trải qua đọan đường nóng bức thế mà có tí băng vào thì còn bằng. Thế là ghi nhận món chủ đạo đá bào, ôi mát lạnh và ngon tuyệt, ae người nào cũng xực 1 li xanh xanh đỏ đỏ, có kẻ còn thòm thèm mần luôn kem cây nữa, đã đã. Nghĩ tới việc 1 đám hầm hố râu ria lởm khởm, già khú đế mà cầm cái muỗng nhựa múc đá xanh đỏ chẹp chẹp, hay mút cây kem chùn chụt như đám trẻ tiểu học mà buồn cười lắm cơ, há há áaa... Chỉ có lão Đạt đen là tội nghiệp buồn ngủ quá, nằm dài tranh thủ chợp mắt trên cái xe lòe lọet, mất cả thú thưởng thức "đặc sản". Thực ra lão đã ngủ trên đường đi rồi, tới đây dậy súc rửa mặt đánh găng rồi lăn ra ngủ tiếp. :lol:
Và như thường lệ máy chớp lại rào rào. Người mẫu lại õng ẹo thấy thương.
Rời Ao bà Om, cả đám lại thẳng tiếng tới chùa Âng ( phiên âm từ Angkorajaborey).
Qua cổng chào cao lớn sừng sững, hiện ra mái vòm cong cong đặc trưng và không gian yên tĩnh.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo,hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên cùng với nghệ thuật trang trí hình ảnh, cảnh trí sắc xảo, tiêu biểu của văn hoá Khmer, mang đậm dấu ấn, màu sắc của văn hóa ĂngKor, nhất là khu chính điện, các gò mái, bên dưới mái nhà, các cột trụ hàng rào quanh chính điện… được vẽ các hoa văn, hoạ tiết Thần Rắn Naga đuôi cong vút, những tượng người đầu chim, rắn thần và chim thần, đầu thần Bayon bốn mặt, tượng chằn Yeak mặc áo giáp…
Các nhà sư ở đây ăn mặc theo kiểu Khờ me, thì tất nhiên là chùa Khờ me mà lị, với áo thụng quấn màu cam đỏ, nở nụ cười thân thiện hỏi thăm các lữ khách.
Trong chùa có 1 cái giếng tay cổ, không biết còn bơm được ko, cái nì Sonbenlì đã post vừa rồi. Nhưng rất ấn tượng là hàng cây Sala đang độ ra hoa khá đẹp. Sala là một lòai cây linh thiêng trong tâm tưởng người theo Phật Giáo bởi chính dưới tán cây này là nơi Đức Phật Thích Ca được sinh ra.
Những công trình nhỏ như tháp, nhà thiêu đều lộ rõ dấu tích rêu phong.
Lại chớp hình, lại ngiêng nghiêng ẹo ẹo lấy cảnh. Riêng cua nhà ta nhìn cái giếng tay có vẻ thèm thuồng tham muốn.
Nhưng với riêng một nguời, ấn tượng nhất là lúc đi thăm Wiliam Cường, ace mình đi đông lắm, và ai khi trở ra đều cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm. Ai muốn biết chi tiết rõ hơn về dzụ án này xin liên hệ với bạn của kenvin nhé!
Đến giờ về, tạm biệt Ao bà, chùa, tạm biệt Trà Vinh nhé!
Đường về Bến Tre phải qua 1 cái phà, con đường đất đỏ bụi mù mịt, những ngõ nhỏ không làm sao nhớ được, Bi tui chịu thua. Vả lại cũng đói rồi, giờ chỉ mong đến Bến Tre cho nhanh, dù cuối đọan, có 1 khúc đường khá đẹp.
Cả bọn chọn 1 quán bán cháo cua đồng làm nơi tạm nghĩ và xực. Sonbenli đã từng ăn nên bảo đảm cho chất lượng như vàng. Riêng ae đực rựa nhà ta, có cả Bi, thì thấy quán nì dễ thương ghê nơi, he he...
Trong khi chờ thức ăn được dọn lên, cả đám lại được thưởng thức khiếu hài hước của 1 nhóm người, có cả Bi góp mẹt nữa, hì hì mâm nào cũng có mặt, các ẻm kia cười nắc nẻ bảo tụi em nói chuyện bậy, dưng mà có ai nói bậy gì đao, tại mí người nghĩ bậy chứ bộ!
Thức ăn lên hơi lâu nhưng mờ Bi tui thấy hổng có lââu.u…, bởi dzì thấy nụ cười long lanh của cô em chủ quán là Bi no gồi. Cũng dzì cái dzụ nì mà Bi với Tún Roke súyt nữa là hổng nhìn mặt à, may mà sau một cuộc thảo luận nho nhỏ, Tún đồng ý sẽ cười dzới cô em của ẻm.
Dưng mờ lòng người khó đoán, tui để ý là hắn vẫn rào trước rào sau cô chị, các bác bảo có tức không, cái đồ.đồ.. đồ có em mà còn... thèm chị.
Bỏ qua dzụ đó thì món ăn của quán rất rất ngon, hay là chúng em đói.
Khai vị là đậu phọng rang, chờ lâu quá, làm 1 số lớn đậu phọng+ thêm rất nhiều ly trà đá, thiếu điều tưởng no.
Vậy nhưng món đậu hủ chiên, gỏi bò vừa đưa lên đã bị lực xực nhanh như chớp. Đến lúc em chủ quán dọn dĩa, Sơn ben lì còn tiếc nuối mình hổng quơ kịp mí cọng hành tây, nhưng hổng có dám làm lớn chuyện chắc vì sợ mọi người nói mình bửn :mrgreen:. Phải hông anh Sơn?!?
Món chủ lực cua đồng vì thế cũng đúng lúc, chỉ riêng các chị em nhà mình hơi ớn cái khỏan bỏ hột vịt sống dzô nồi cháo.
Nhưng ngon quá thể cha mẹ ơi, nước cháo có vị ngọt của cua đồng, béo ngậy của đậu xanh, thơm ngon của vịt lộn vừa chín tới, cái chát chát của rau mồng tơi, chẹp chẹp...
Tất nhiên là không thiếu khỏan dzô dzô và kể những câu chuyện khiến nhiều người nghĩ bậy. Đầu têu cho những câu chuyện "chong sáng" ấy là vẫn là bác Sơn benlì. Có lúc bác í còn khiến ace mình cười thiếu điều mún phun cháo vô lại nồi, hèn chi nồi cháo ăn mãi mà vẫn không vơi. Bà con đầu kia tưởng mình uống lộn thuốc hay sao mà lâu lâu lại có những tràng cười sặc sụa, hay 3-4 tên đang ngồi ăn bỗng xô ghế chạy loạn xạ, phun phì phì như gắn hổ mang, chứ hỏi hổng xô ghế thì cười phun cháo hổng dzô nồi cũng dzô mẹt bạn mình.
Cứ thế buổi tiệc của tụi quỷ sứ diễn ra trong ồn ào náo loạn, chỉ có 2 cô em của quán là mặt đỏ bừng, chắc là dzì mệt chứ hổng phải mắc cỡ đâu các bác hén.
Chả vậy mà giờ chia tay mấy em cứ lưu luyến nhìn theo mãi, làm Bi tui cũng thấy hổng kềm lòng đặng, dắt xe ra mà sao đi hổng nổi, không biết là nặng xe hay nặng lòng.
Đáng lý ra là quất một mạch dzìa luôn, nhưng đúng là ăn xong căng da bụng chùng da mắt, thế là bonus thêm 1 chặng cà phê nghỉ trưa cũng hông xa quán mấy.
Một ý tưởng tuyệt vời, bởi ace dzô chưa kịp uống nước là lăn ra ghế ngủ thẳng cẳng, ngủ la liệt, ngủ say mê, tất cả mọi tư thế, nằm, ngồi, vắt chân hoặc không vắt chân, ngáy hoặc không ngáy, ôm nhau hoặc không ôm nhau…
Và sau 1 tiếng nghỉ ngơi, hồi sức nhanh chóng, quân đoàn CD lại rùng rùng trở dzìa lại Sài Gòn. Trên đường về suôn sẻ, chỉ có vài chi tiết lặt vặt là xe Chân gà chảy nhớt, Tuấn Roke lỡ phà, và tất nhiên là còn hội ngộ bác Phát và cô ở Tiền Giang nữa.
5h30 chiều Sì ghềnh đón chúng tôi, thân quen với khói bụi, với những dòng xe máy đông kín đường. Điểm lại chuyến đi không có trục trặc gì đáng kể, và niềm vui thì vượt ngoài dự kiến.
Chỉ có 1 chi tiếtBi nhớ là khi chạy về tới Long An cả đoàn lại gặp 1 nhóm mô tô lớn của quận Bình Tân cũng đang về, theo quán tính đồng bọn, Bi giơ tay chào, cả nhóm chào lại thân thiện và 1 vài câu chuyện ăn liền diễn ra nhanh chóng tại điểm dừng đèn đỏ:
Mấy anh đi đâu về à, hay quá nhỉ.
À tụi em mới làm 1 vòng qua nhiều tỉnh miền Tây đó.
Whoa!
Sài Gòn, Tháng 10, năm 2008.
|