Đội xe ôm du lịch xứ sương mù
TT - "Tuyệt vời! Chỉ có ở VN!" - đó là nhận xét của David, một du khách Úc, về đội xe ôm du lịch ở thành phố sương mù Đà Lạt.
Đó là một đội xe đặc biệt với 78 thành viên. Cuốc xe của họ là những chuyến đi dài ngày, có tour kéo dài một tháng đến khắp mọi miền đất nước. Các thành viên trong đội đều nói tiếng Anh như gió, có người còn lưu loát cả tiếng Đức, Pháp... Đội có hẳn một website rất tây:
http://www.dalat-easyrider.com.vn.
Những tay cự phách
Chỉ là xe ôm thôi nhưng để gặp các anh cũng khó, bởi khi thì các anh đang ở đảo Hòn Khoai của đất mũi Cà Mau, lúc đang cùng khách khám phá động Ngườm Ngao tận Cao Bằng. Điểm mà cánh xe ôm này hẹn gặp chúng tôi không phải một góc phố, vỉa hè nào mà là một quán cà phê wifi sang trọng, chuyên phục vụ khách tây trên đường Phan Đình Phùng của thành phố Đà Lạt. Vừa rê chuột, Thiện "rocky" - một thành viên của nhóm - cho biết: "Công việc hằng ngày của chúng tôi là lên website của đội, mail của mình để tư vấn, săn và phục vụ khách thăm thú mọi miền đất nước".
Nghề xe ôm du lịch phải vừa là tài xế, bảo vệ, thông dịch viên, vừa là nhà tâm lý, hướng dẫn viên du lịch... rất vất vả. Nhưng đổi lại thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng đã giúp các anh nuôi gia đình, cho con ăn học tới nơi tới chốn.
"Thoạt đầu chúng tôi còn ngại khi tiếp cận khách Tây vì mình chỉ có vốn ngoại ngữ kha khá thôi, còn những kiến thức về văn hóa, lịch sử - kể cả văn hóa Tây - thì biết chẳng ra đầu ra đũa. Nhưng vì cuộc sống và vì thích đi đây đi đó nên anh em chúng tôi trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, học thêm văn hóa lịch sử VN, nghiệp vụ và tìm hiểu thêm đường sá. Cuối cùng chúng tôi rất chuyên nghiệp" - "tài xế" Ẩn kể.
Một cuốc, hai cuốc rồi nhiều chuyến đưa khách tham quan Đắc Lắc, Nha Trang, Phan Thiết, Ninh Thuận... giúp anh dần quen với nghề. Khoản tiền mà khách trả công đủ lo cho gia đình, dư chút đỉnh. Đội tổ chức quy củ, có đội trưởng, đội phó, ban kỷ luật, tổ tài chính, thủ quỹ... "Bầu ra ban bệ để điều hành, hoạt động hiệu quả chứ không ai trong ban lãnh đạo được hưởng bổng lộc gì cả” - Thiện "rocky" cho biết.
Anh Thiện "rocky" sinh năm 1979, đến với nghề xe ôm du lịch từ thời còn là sinh viên du lịch Trường ĐH Đà Lạt. Làm thêm kiếm sống thời sinh viên, vài năm sau khi ra trường, Thiện "rocky" quyết theo cái nghề lên rừng xuống biển bằng xe máy đến giờ. Thành viên đội xe trước đây làm nhiều nghề, đến từ nhiều vùng miền: Thiện "rocky" từng là chủ hai nhà hàng, anh Dương là cựu chiến binh, anh Long Đức từng làm trưởng đoàn thông dịch viên cho nhóm lao động bên Đức, "giáo sư” Ẩn vốn là giáo viên Pháp văn trước 1975...
Nhiều điều thú vị
Năm 1991, những tay xe ôm có tuổi gồm "giáo sư” Ẩn, Thanh, Hiển, Thiệt (vốn là thầy giáo tiếng Pháp trước 1975) tập hợp anh em có trình độ ngoại ngữ, lập đội XODL độc nhất vô nhị ở phố núi. Và đội ra đời từ ấy.
Những năm đầu thành lập, anh em trong đội xe rất vất vả khi chào tour, vì "dạo ấy khách sạn, nhà hàng ít, lại còn hay bị chặt chém nên rất nhiều lần anh em phải là người nấu ăn cho khách" - anh Nguyễn Nguyên (55 tuổi), một trong những người có mặt trong nhóm xe ôm 12 người năm 1991, nhớ lại.
Chuyến đi xa đầu đời, "mở hàng" cho những chuyến đi xa hơn của đội xe ôm là của anh Nguyễn Nguyên chở bà Marie Hube, một bác sĩ người Đức, đi từ Đà Lạt ra Hà Nội kéo dài 25 ngày. Bà Marie bảo rất thích những điều mới lạ, những vùng đất mới, còn hoang sơ. Rồi đội có khách đều đều, đưa khách đi xa hơn. Tích cóp tiền từ những chuyến đi xa, anh em trong đội đầu tư mua môtô Nhật 125 phân khối, an toàn, mạnh mẽ, "còn trước đó chạy xe lèng xèng".
Bước ngoặt trong đội xe là vào năm 1999, khi Thiện "rocky" và một số thành viên trẻ thiết lập một website cho đội bằng tiếng Anh. Khách quốc tế biết nhiều về đội XODL. "Thế là anh em chúng tôi nhẹ nhàng trong việc bắt khách. Chỉ cần rê chuột, lướt web để tư vấn, ra giá và hẹn đón khách rồi đưa khách đi tham quan khắp nơi", đội trưởng Hoàng Văn Quân nhớ lại.
Uy tín, thương hiệu là điều anh em đội xe luôn tôn trọng và giữ gìn. "Đó còn là một phần hình ảnh Việt trong mắt khách quốc tế" - đội trưởng Quân bộc bạch.
Đi với cánh xe ôm, du khách Tây có cơ hội tiếp cận cuộc sống người Việt, vì thế họ rất thích. Có khi đang đi khách yêu cầu các anh dừng xe để họ cùng xuống thọc lỗ trỉa bắp, cấy lúa, nhổ cỏ... cùng nông dân. "Điều gây xúc động nhất đối với tôi là cách đây năm tháng, khi chở ông Dohn, một cựu chiến binh Mỹ, tham quan chiến trường xưa. Gặp một thương binh đang làm đồng ven đường Hồ Chí Minh, ông khách bảo tôi dừng xe lại thuyết minh, thông dịch cho ông. Sau một hồi chuyện trò, bỗng hai ông ôm chầm lấy nhau khóc cười...
Rồi ông Tây tặng quà cho người nông dân và nói: "Tôi thích câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi trả lời một phóng viên nước ngoài: Chúng tôi biết quá khứ, nhưng chúng ta không nên nói nhiều về quá khứ. Hãy cùng nhau xây dựng cuộc sống hiện tại và hướng đến tương lai"... tôi mới hiểu hai ông trước đây ở hai chiến tuyến" - Thiện "rocky" kể.
VĂN KÝ
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... annelID=89
__________________
Nhìn CD vẫn còn thèm làm sao...là sao....
To view links or images in signatures your post count must be 0 or greater. You currently have 0 posts.
Cho chừa cái tội.....