Nếu lái xe một mình khá chủ động thì việc phượt đường dài với một "ôm" phía sau đòi hỏi phải có kỹ năng để đảm bảo an toàn.
Khi có một "ôm" và một "xế" thì phân bổ trọng lực của xe sẽ biến đổi, bên cạnh đó là áp lực xuống mặt đường, tư thế khi vào cua cũng thay đổi theo, đó là chưa kể phải đèo thêm đồ đạc của mỗi người. Các kỹ năng cần thiết mà những lái xe có người ngồi sau cần chú ý:
1. Chắc chắn xe chịu được trọng tải
Đi phượt dài ngày thường kèm theo đồ đạc, với sức nặng của hai người cũng với những túi ba lô lỉnh kỉnh, hãy chắc chắn chiếc xe chịu được tải trọng khoảng 150 kg nếu không muốn ì ạch dắt bộ qua những đèo dốc vì khối lượng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng tốc, phanh và hệ thống giảm xóc của xe.
2. Lên xe
Khi người lái đã chắc chắn ổn định với xe, gác để chân bật sẵn thì bạn đồng hành mới leo lên xe từ bên trái, nơi thường không có ống xả. Điều này có vẻ thừa thãi với những chiếc phổ thông như Wave, Dream nhưng với những chiếc cào cào to lớn thì rất cần thiết. Sử dụng chân chống có thể giúp xe vững vàng hơn nhưng nếu người lái không tự cân bằng, sẽ rất khó để dựng đứng xe lên để khởi hành khi khối lượng tải lớn.
3. Càng gần càng tốt
Tức là khoảng cách giữa người lái và người ngồi sau. Ở đây không có nghĩa là tư thế thụ động mà chủ động tạo khoảng cách hẹp nhất giữa hai người. Với những xe có thùng chứa đồ phía sau sẽ an toàn hơn khi bất ngờ tăng tốc. Nhưng với những xe không có thùng chứa đồ, nếu không sát người lái, người ngồi sau hoàn toàn có thể bị hất văng khi tăng tốc hoặc trượt mạnh về người lái khi phanh đột ngột. Ngồi sát còn tạo tư thế vững chãi cho người và xe khi ôm cua.
4. Vào cua
Những chuyển động nhẹ nghịch hướng của người ngồi sau có thể ảnh hưởng đến khả năng vào cua của xe. Những "ôm" thiếu kinh nghiệm thường có xu hướng nghiêng người về bên ngược cua vì cảm giác sợ rơi khi xe nghiêng vào trong cua, nhưng đó lại là hành động sai lầm. Để luyện tập kỹ năng này, một mẹo nhỏ cho người ngồi sau là nhìn thẳng qua vai lái xe trong khi uốn mình theo chiều nghiêng.
5. Dừng xe
Việc ngồi gần sẽ giúp người ngồi sau không bị trượt mạnh về phía lái xe nếu chẳng may phanh gấp. Luôn đặt chân trên gác để chân cho đến khi xe dừng hẳn. Sau khi người lái đã cân bằng được xe thì mới xuống xe như cách lúc đầu lên xe.
Ngoài ra còn có những kỹ năng khác khi đi xe hai người như nếu chiếc xe thuộc dạng bình xăng ở trên khung, phía trước người lái thì người ngồi sau có thể ngoài tay ôm bình xăng tạo thế cân bằng khi tăng tốc hoặc dừng, học các kỹ năng ra dấu bằng tay, chân khi đi theo đoàn và luôn đi kèm đồ bảo hộ.
ST.