Trở lại   HOANGTUDEN CD CLUB > LINH TINH > Xả xúp pắp

Chú ý

Xả xúp pắp Xe nóng máy thì phải xả thôi, nghỉ ngơi đi anh em

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Cũ 09-02-2015, 11:31 AM
LEMOTO's Avatar
LEMOTO LEMOTO vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Super Moderator
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Jul 2008
Bài gởi: 2.628
Thanks: 13.753
Thanked 8.066 Times in 1.767 Posts
Mặc định VƯỜN THIỀN CHÙA TÔI

VƯỜN THIỀN CHÙA TÔI




Tạ Thị Ngọc Thảo




"Ở đâu đó, tại một chỗ vượt lên trên mọi đúng và sai có một khu vườn, nơi đó có bạn và tôi…”
Rumi (1207-1273)
Chùa tôi là cái chùa mà gọi nhà cũng được gọi chùa cũng xong. Bởi, Phẩm Diệu Hạnh trong kinh Pháp bảo đàn có đoạn Lục Tổ Huệ Năng dạy thiện tri thức “tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”.
Chùa tôi có khoảnh vườn nhỏ khoảng 100m2. Trước đây ai cho gì trồng nấy. Đi đâu thấy cây, cỏ, hoa lạ liền mua về dúi vào vườn rồi chăm sóc, rồi ngắm nghía, rồi thỏa thích. Ngày qua ngày cái vườn nhỏ xíu mà trăm cây giành khoe sắc.
Vào một buổi sớm trời rét đậm báo Xuân về. Tôi, một tay cầm chén trà Gạo Lứt nóng, một tay vịn khăn quàng cổ, lặng lẽ ngắm khoảnh vườn chợt thảng thốt, “Ủa vườn của mình sao giống cửa hàng cây cảnh quá”. Và rằng, người ta nói, “vườn nhà là một nửa tâm hồn của chủ”, lẽ nào tâm hồn của tôi cũng “trăm cây giành khoe sắc” như vườn của tôi?
Ý tưởng thiết kế lại khoảnh vườn nảy ra trong đầu. Tôi muốn vườn chùa tôi giống vườn Thiền trong những ngôi chùa Nhật Bản, khu vườn mà sách mô tả “hướng về tâm linh, hướng về chiều sâu thẳm của tâm hồn”. Nhưng, khu vườn “hướng về tâm linh, hướng về chiều sâu thẳm của tâm hồn” là như thế nào? Nhật Bản có bao nhiêu loại vườn Thiền? và nhất là loại vườn Thiền nào hợp với 100m2 vườn chùa tôi ?
Ý dẫn dắt thân, tôi bắt đầu tìm hiểu một số vườn Thiền Nhật Bản rồi cân nhắc, lựa chọn, tìm một mô hình thích ứng cho khoảnh vườn của mình…
1/ Vườn Karesansui chăng?
Nếu rảo quanh nước Nhật rồi tìm viếng chùa Nhật bất chợt bạn gặp những khu vườn không có nước, không có cỏ, cây, hoa, lá mà chỉ có đá, cát, sỏi và màu xanh hiếm hoi là những mảng rêu bạc màu thời gian thì đó là vườn Karesansui. Là vì, Karesansui có nghĩa là “vườn khô”, “vườn đá” hoặc vườn có “dòng suối khô”.
“Vườn khô” là vườn không có nước, không cần nước.
“Vườn đá” là những hòn đá, những mảng rêu được quý sư đặt trên mặt cát, hoặc sỏi đầy sự tinh tế và nghệ thuật. Nhìn ở góc này những hòn đá cỏn con mà như núi chập chùng núi; người ngắm thấy đất trời rộng thênh thang. Nhìn ở góc khác các mảng rêu như những hòn đảo nổi trên mặt sóng nhấp nhô; đưa người ta đến cõi mây, cõi nước.
“Dòng suối khô” là gậy bút của quý sư trong chùa vẽ trên cát những vòng tròn khiến người ngắm tưởng rằng ai đó vừa quăng hòn đá xuống mặt nước phẳng lặng tạo sóng xôn xao. Cũng có khi sư múa gậy bút trên sỏi tạo những dợn sóng trải dài khiến người ta liên tưởng trước mặt mình là suối, là hồ, là sông, là biển. Đôi chỗ trong khu vườn, sư cố tình để mặt cát tự nhiên, như muốn thể hiện mặt hồ phẳng lặng, như chuyển đến người ngắm sự êm đềm.
Quý sư chùa Nhật Bản tạo cho Karesansui một không gian vắng lặng, tĩnh tại, hoang vu là nhằm mục đích trợ duyên cho con người quay về với thiên nhiên vi diệu, về với tâm hồn rỗng rang, về với tự tánh trong trẻo.

Vườn Karesansui
Để chiêm nghiệm Karesansui một cách sâu thẳm nhất bạn phải một mình đối diện với vườn, trong tâm thế Thiền và tư thế tọa Thiền.
Muốn được ngắm Karesansui bạn phải tìm vào chùa của phái Thiền, có lẽ vì vậy Karesansui còn được gọi là vườn Thiền.
Karesansui cổ nhất hình thành năm 1251, vườn nằm trong chùa Kenchou, một trong năm ngôi chùa Thiền phái lớn nhất Nhật Bản.

Thiền trong vườn Karesansui
…Thật tuyệt vời vườn Karesansui, nhưng tôi biết, dù có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình đủ tài hạnh vẽ được sóng trên cát. Thôi thì tìm hiểu loại vườn khác vậy…
2/ Vườn Chaniwa chăng?
“Cha” là Trà, “Niwa” là Viên, dịch nghĩa là Vườn Trà, dịch thoát là “uống trà trong vườn”. Khi viếng thăm Nhật Bản, nếu bạn được người bản địa mời trải nghiệm Trà đạo (chanoyu), nghi lễ này sẽ diễn ra trong Trà thất (chashitsu) mà Trà thất thì nằm trong vườn Chaniwa. Bởi Chaniwa được thiết kế nhằm dành tổ chức Trà đạo.
Vườn Chaniwa có nước, đá, cây, cỏ, tranh, tre, gỗ, ngói và những cây đèn đá... Chỉ chừng đó thôi nhưng khi qua khối óc tinh thông, bàn tay tinh xảo, ánh mắt tinh tế của nghệ nhân thì, nước, đá, cây, cỏ, tranh, tre, gỗ, ngói, đèn đá…thoát nhiên trở thành nơi chốn chan hòa, tôn kính, thanh khiết, tĩnh mịch; tạo ra sự dung thông giữa người với cảnh giới, giữa người muôn vật, giữa người với chén trà và giữa người với muôn người.
Bước chân vào vườn Chaniwa đón bạn là một cái cổng đủ kín để giúp thân bạn lắng lại. Rồi bạn sẽ bước vào một con đường (roji), đôi chân của bạn sẽ dạo trên những phiến đá (tobi-ishi hoặc nori-no-ishi) được nghệ nhân sắp xếp khéo đến độ khiến bạn phải tập trung mà, muốn tập trung thì thân phải rủ tâm về một chỗ. Con đường đá loanh quanh đến cô độc, cùng với cảnh quan bày trí nhấn mạnh yếu tố “vừa sinh, vừa già, vừa tịch” của vạn vật vô tình và hữu tình sẽ kéo bạn bỏ lại sau lưng địa vị, chức quyền, tiền tài, danh vọng, tham, sân, si…
Cứ rong ruổi như thế cho đến khi bạn gặp một phiến đá lớn và cao (fumi-ishi) hơn những phiến đá trước đó, lúc này bạn đã đến Trà thất (chashitsu). Trước khi bước vào Trà thất bạn phải thực hiện nghi thức làm sạch thân tâm và bể nước bằng đá (tsukubai) sẽ trợ duyên cho bạn. Bạn hãy cúi xuống thật thấp để vốc nước rửa mặt, tay và chân. Nếu tay vẫn chưa thể vốc được nước thì bạn hãy quỳ xuống. Khi tay bạn chạm được vào dòng nước tinh khiết thì tính kiêu mạn của bạn cũng trôi đi theo dòng nước bẩn. Lúc này thân đã an, tâm đã tỉnh, sẵn sàng trải nghiệm nghi thức Trà đạo.

Vườn Chaniwa
Trà Đạo xuất phát từ cái duyên của các vị Thiền sư với trà. Năm 801 sư Saicho mang giống trà Trung Hoa về rồi cùng với Phật tử trồng ở Yeisan. Năm 1191 sư Yeisaizenji lại mang giống trà từ Trung Hoa về và hướng dẫn nhà nông trồng tại Uji. Thời đó Trà là thuốc phòng và chữa bệnh của giới bình dân, là thức uống xa xỉ của giới quý tộc. Cuối thế kỷ XVI, sư Senno Rikyu (1552-1591) là người đã biến nghệ thuật uống trà của Nhật Bản thành một nghi lễ “hòa, kính, thanh, tịch” (wa, kei, sei, jaku) - giá trị cốt lõi của Trà đạo.
Buổi Trà Đạo đầu tiên ra mắt trong vườn chùa Kim Sơn, chính Trà sư Senno Rikyu đã duyệt nghi lễ này. Từ đó, trà cụ đắt tiền nhập khẩu từ Trung Hoa và nghệ thuật thưởng trà xa hoa của giới thượng lưu mờ nhạt rồi lụi tàn; ngược lại Trà đạo từng bước thăng hoa và trở thành văn hóa dân tộc Nhật Bản.
Ngày nay Chaniwa là nơi Trà sư thu nhận, đào tạo môn đệ và trình diễn nghệ thuật Trà đạo. Chaniwa là nơi lãnh đạo Quốc gia tiếp Quốc khách tôn quý. Chaniwa là nơi chủ nhà thành kính tiếp bậc trượng phu. Chaniwa còn là nơi du khách tìm đến trải nghiệm Trà đạo để thực tập “hòa, kính, thanh, tịch”. Số liệu nghiên cứu cho thấy, nông nghiệp trà, công nghiệp trà, sản phẩm trà, trà cụ, dịch vụ trà đạo góp phần không nhỏ vào kinh tế Nhật Bản.

Trà sư trình diễn nghệ thuật Trà đạo
Nếu vườn khô Karesansui là duyên tố hỗ trợ cho việc quán chiếu và thiền định của thiền sư thì vườn Chaniwa đến được với nhiều thành phần xã hội hơn. Nói cách khác Chaniwa nhập thế hơn Karesansui.
…Ôi chao Vườn Chaniwa đáng là niềm mơ ước, nhưng để thực hiện Chaniwa trong 100m2 vườn chùa tôi là chuyện “núi Tu Di nằm trong hạt cải”, chỉ Ngài Duy Ma mới biến hóa được. Đành tìm thêm loại hình vườn khác vậy…
3/ Vườn Tsukiyama chăng?
Tsukiyama là “Hòn non bộ”, còn có cách gọi khác là “Vườn Đồi” vì được thiết kế trên đồi hoặc triền đồi để tận dụng yếu tố nhấp nhô của mặt đất. Cũng có khi người lập vườn đắp đất tạo đồi nhằm khác với Vườn Phẳng (hiraniwa). Muốn du khách nhận biết là vườn Tsukiyama, nghệ nhân phải chọn vị trí trung tâm của khu vườn để đặt một cây chủ (shuboku). Những chốn tôn nghiêm như chùa Tenryu và chùa Saihou (Tokyo) quý sư trồng cây Sồi, hoặc Thông làm cây chủ; ở vườn nhà gia chủ lại thích chọn cây Liễu làm điểm nhấn cho Tsukiyama. Nhìn vào cây chủ, người thưởng ngoạn thầm đoán được tính cách của chủ vườn.
Để làm nên Tsukiyama còn có tiếng róc rách của suối chảy len lỏi trong vườn, những cái cầu nhỏ bắt qua dòng nước có nhiều cá bơi đùa, tiếng chim ríu rích trong những bụi cây cao thấp, tiếng côn trùng ngân nga dưới những phiến đá được dựng thành núi, non và những con đường nhỏ quanh co, gập ghềnh... Thi thoảng Tsukiyama còn có cả Rùa và Hạc, hai linh vật biểu tượng cho sống lâu và hạnh phúc.

Vườn Tsukiyama
Khi ngắm Tsukiyama, bạn sẽ có cảm giác trước mặt mình là một khu rừng thiên nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng như bạn nghĩ. Tsukiyama có khi nép mình trong hiên chùa, có lúc ẩn mình trong sân nhà của một ai đó. Ngày nay trong nội đô cũng có những Tsukiyama với diện tích lớn do chính phủ Nhật Bản đầu tư nhằm dụng ý đưa rừng vào phố, đưa thành thị trở về hoang sơ, đưa con người công nghiệp gần gủi thiên nhiên, đưa tâm hồn xao động về chốn tĩnh tại. Và, chính sự tài hoa của nghệ nhân thiết kế vườn đã tạo cho Tsukiyama sự kỳ diệu ấy.
…Vườn Đồi Tsukiyama thiệt là thân thiện nhưng tôi biết, 100m2 của chùa tôi may ra chỉ tạo được “vườn Gò” bằng y chang cái gò Mối.
Kinh Di Giáo dạy: “Người biết đủ tuy nghèo mà giàu”. Tôi quay về bắt tay xây dựng 100m2 vườn chùa của mình trong trạng thái biết đủ.
4/ Vườn Thiền chùa tôi
Trước khi lập vườn, tôi đã dành nhiều thời gian ngắm vườn cũ để quyết định cây nào giữ lại, cây nào dời đi và, nếu phải dời thì tính phương án nào ít gây thương tổn cho cây và côn trùng dưới đất nhất. Và theo tôi, vườn Thiền chỉ nên sử dụng những cây dễ mua, dễ trồng, dễ chăm, màu sắc đằm thắm, do vậy những cây có hình dáng cầu kỳ, quý hiếm, rực rỡ có sẵn trong vườn tôi nhờ cộng sự bới lên rồi tìm nơi để biếu. Ngoài cây để tạo màu xanh, vườn Thiền còn cần đá. May sao gần chùa tôi có mỏ đá đang khai thác, như vậy là thuận duyên rồi. Khi tôi ngỏ ý mua ít đá về lập vườn, chủ mỏ đã từ chối nhận tiền, lại còn chọn biếu những phiến đá to và đẹp. Tôi cám ơn nhưng chỉ xin nhận những phiến đá phù hợp với không gian 100m2 vườn chùa tôi và vừa sức người khiêng, tôi không muốn cộng sự phải vác nặng. Khi đang làm vườn nhiều người đến xem rồi, khen cũng lắm mà chê cũng nhiều, tôi cười.
Thú vị nhất là lúc tìm cỏ về trồng làm nền vườn. Tôi và cộng sự tìm đến cánh đồng cỏ hoang gần Tháp Tổ Liễu Quán, nơi dân thường đưa bò tới ăn cỏ mỗi ngày. Tại đây có một vị sư già thấy chúng tôi bới cỏ, lại gần hỏi giọng nghiêm khắc: “Bới cỏ làm gì?”. Tôi thưa thốt: “Dạ, về trồng trong vườn chùa”. Sư sẳn giọng: “Lấy thứ không phải của mình là phạm giới trộm cắp!”. Tôi cười: “Dạ, lấy thứ không phải của mình đem về một nơi cũng không phải của mình mà phạm giới ư?”. Sư truy tiếp: “Sao giết cây sống, trồng cây chết?’. Tôi nói khẽ: “Dạ, cỏ cây có Phật tánh, không chấp có cái thân, sống - chết là một, không hai”. Nghe vậy sư cười lớn rồi quay lưng đi, tôi nhìn theo thấy vị sư già khuất dần vào vườn Tháp Tổ.
…Vườn Thiền Nhật Bản hình thức đẹp, nội dung sâu lắng, khiến người ngắm chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời.
Vườn của tôi trước đây “trăm cây giành khoe sắc” nay thay đổi trở về với đơn sơ, mộc mạc, chơn chất, gần gũi.

Chùa tôi
Riêng về vườn Thiền, tôi thầm nghĩ, Kinh Bồ Tát Giới dạy: “Bản tánh con người vốn tự thanh tịnh”; câu kết trong bài phú Cư trần lạc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng viết: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” thì, khi thiền cần vườn để làm chi? Nhưng tôi vẫn gọi 100m2 vườn chùa tôi là vườn Thiền vì trong lúc lập vườn, tôi và cộng sự tự thấy bản tánh của mình thanh tịnh. Cụ thể hơn, vườn Thiền chùa tôi đơn giản chỉ là “chúng tôi đã thiền trong lúc làm vườn”, thế thôi.

Vườn thiền chùa tôi
Năm mới chùa tôi đón Xuân với vườn Thiền, một cái vườn nho nhỏ chứa chan niềm hoan hỷ.
----------------

Bài đã đăng Văn hóa Phật giáo Xuân 2015
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following User Says Thank You to LEMOTO For This Useful Post:
Abu-108 (27-02-2015)
Trả lời


Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách)
 
Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quuyền Hạn Của Bạn
Bạnkhông thể tạo chủ đề
Bạn không thể gửi Trả lời
Bạn không thể gửi Đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của bạn

BB code thì Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 03:53 PM.


Powered by: vBulletin v3.x.x Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.