PDA

Xem bản đầy đủ : Chuyện về số xe và cà vẹt


khoaton
23-04-2009, 09:52 AM
Chuyện về số xe và cà vẹt

Cà vẹt - hay còn gọi là “giấy xe” có thể coi như “tờ khai sinh” của xe. Đi đôi với cà vẹt là biển số và sự việc bắt đầu từ đây.

Đối với phần lớn chủ xe, số xe mang một ý nghĩa đặc biệt. Hầu hết người chủ xe đều muốn xe mình mang bảng số “chín nút”. Tuy nhiên một số người lại chọn bảng số theo những lý do riêng. Dạo nọ trên báo ô tô xe máy giới thiệu một anh giai Hà Nội chuyên chơi xe cổ, xe phân khối lớn các lọai, và điêm đặc biệt của mấy con xe là các bảng số đều có số 117 – số nhà của anh. Một anh giai trong Hội VespaVN rất tự hào về con PX bảng số 6868 – lộc phát lộc phát. Có anh lại chọn cho mình con số 1402, bảy nút. Có lẽ là hắn thích ngày 14-02 chăng? Còn tôi hình như lại có duyên với các con số 9 (không phải chín nút đâu nhé). Xem nào, trong mớ xe hổ lốn bảng số rải từ 29, 39, 49, 59, 69, 79, 99; ví dụ như con acma bảng số 6996, con Li3 sơn gin bảng 0699; chỉ còn thiếu 09, 19 và 89 thôi!

Quay trở lại chuyện cà vẹt xe. Cơ quan phát hành, kiểu dáng, màu sắc của cà vẹt thay đổi theo từng giai đọan lịch sử. Trước 30/4/75, cà vẹt xe gọi là “thẻ đăng bộ” do SỞ KIỂM XA – BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN phát hành. Trong một lần la cà với 1 bác lái buôn đầu bạc trắng 72 tuổi, bác kể lại hồi đó người ta chia miền Nam thành từng khu vực địa lý, vài tỉnh làm 1 khu vực rồi cấp bảng số theo khu vực. Khu vực Sài Gòn Gia Định bắt đầu bằng chữ N – tôi may mắn mua được 1 “thẻ đăng bộ” của bác lái buôn già, của 1 con LD56, bảng số ghi rõ “NAR 101”. Cái thẻ này to vật vã, to bằng bàn tay xòe. Bác lái buôn già còn một mớ giấy của lam F 125, giấy mua góp 1 con LD57, năn nỉ mãi nhất quyết không bán!

Vào khỏang năm 1959-1960, các đời xe vespa Standard ồ ạt đổ bộ vào miền Nam. Số xe tăng cao, việc khoanh vùng theo cụm tỉnh không còn phù hợp, người ta mới phân vùng theo từng tỉnh để quản lý. Giai đoạn này khu vực Sài Gòn bảng số bắt đầu bằng chữ “E”. Chúng ta thỉnh thỏang nghe nói đời Standard 3 số là EA, Lam SX là đời EO, Sprint 7 số là đời EP. Những chiếc xe sơn gin hầu hết trên vè (chắn bùn) trước còn rõ những con số này. Ví dụ con Lam Li3 sơn gin của tớ mang số ED1035.

Sau 30/4/75, giai đọan đầu người dân vẫn để bảng số cũ chạy xe ngòai đường mà chẳng sợ công an phạt, chỉ sợ hết xăng đẩy bộ thì khốn – ngày đó hiếm xăng mà! Từ năm 1976, 1977 Ty Công An Tp.HCM bắt đầu đổi giấy đang ký xe cũ. Giấy đăng ký thời kỳ này cũng to chẳng kém bàn tay xòe là bao nhiêu! Trên các cà vẹt này, mục “số cũ” ghi số xe thời trước, ví dụ EN1836. Bảng số xe thời kỳ này có dạng 50-xxx-A. Trong đó 50 nghĩa là xe của Tp.HCM, xxx là số xe, A là ký hiệu quận, huyện.

Vào khỏang năm 1980-1985, CA.Tp.HCM tiếp tục phát hành cà vẹt mới. Cà vẹt lần này làm bằng giấy màu hơi hồng, to bằng 1 bàn tay khép, nhưng bù lại được chiều dài rất ấn tượng. Dân lái buôn hay gọi cà vẹt loại này là “cà vẹt 2 miếng”. Bảng số xe có dạng 58B-xxxx, trong đó B là ký hiệu quận, huyện, xxxx là số xe. Lưu ý bảng số xe lúc này là 4 con số. Các tỉnh khác, kể cà Hà Nội thủ đô thời gian này vẫn dùng bảng 3 số, có lẽ do mật đô xe chưa cao.

Đến khoảng 1990, có thể do giá giấy in cà vẹt lên cao, CA.Tp.HCM đổi tiếp 1 lượt cà vẹt mới, chỉ bằng ½ cà vẹt cũ, kích thước là 1 miếng giấy màu trắng bằng 4 ngón tay khép của người bình thường (phải chú thích rõ ràng, chứ không có bác cắc cớ mang tay Chí Phèo ra đo, thấy cà vẹt chỉ bằng 2 ngón tay lại bảo em là thằng nói phét!). Dân chơi gọi cà vẹt này là cà vẹt 1 miếng. Bảng số có dạng 50C-xxxx, khác phần trên duy nhất 1 con số 0. Trên giấy ghi rõ màu sơn xe. (các đời cà vẹt trước không có)

Cuối cùng, Bộ Công An ban hành giấy đăng ký xe thống nhất tòan quốc, thống nhất bảng số xe luôn. Hiện nay ta vẫn quen gọi lọai xe đang ký thời kỳ này là xe “phản quang” căn cứ vào bảng số phản quang! Cà vẹt vẫn là 1 miếng, mau xanh nhạt, ghi rõ màu sơn. Nhờ Giời, mấy năm gần đây giá giấy ổn định, mực in dồi dào nên kích cỡ cà vẹt có thể nói là không thay đổi. Tuy nhiên nếu cà vẹt nhỏ hơn 1 tí nữa thì tốt, nhét vào ví không bị cong. Thôi thì đành chờ giá giấy lên vậy!

-nguồn internet-
http://trananhtuan.wordpress.com/2008/10/29/chuyen-ve-so-xe-va-ca-vet/